Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà sẽ nghỉ hưu từ 1/9?

(Dân trí) - Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) sẽ chính thức nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước từ ngày 1/9 tới, sau 35 năm công tác và gắn bó tại ngân hàng này.

Trao đổi ngắn với phóng viên Dân trí chiều tối ngày 17/8, ông Trần Bắc Hà xác nhận ông sẽ nghỉ hưu vào thời gian tới.

Tuy nhiên, khi phóng viên trao đổi với bộ phận truyền thông của BIDV, đại diện bên này cho biết họ chưa có thông tin gì về việc ông Hà sẽ rời nhiệm sở để nghỉ hưu từ ngày 1/9 tới.

Cũng theo tìm hiểu từ phóng viên, hiện chưa có thông tin chính thức về người thay thế ông Hà tại BIDV.


Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà

Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, nguyên quán Bình Định.

Tháng 2/1981, ông bắt đầu làm việc tại BIDV. Tháng 7/1991, ông là Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Bình Định. Trong thời gian này, ông trực tiếp xây dựng, khởi tạo thành lập Sở Giao dịch 3, Công ty Chứng khoán, Công ty Quản lý nợ khai thác tài sản, Trưởng Ban Xử lý nợ Ngân hàng TMCP Nam Đô, chỉ đạo thành lập các hiện diện thương mại tại Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc và chỉ đạo Văn phòng đại diện tại Lào, Campuchia, Myanmar.

Tháng 10/1999, ông là Phó Tổng Giám đốc BIDV. Tháng 5/2003, ông là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BIDV. Tháng 1/2008, ông được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT BIDV.

Như vậy, tính từ thời điểm đặt chân vào "mảnh đất" BIDV, ông Hà đã có thời gian làm việc và gắn bó với ngân hàng này là 35 năm.

Trong những lĩnh vực ngân hàng, ông Trần Bắc Hà được biết đến là một trong những "lão tướng", với nhiều phát ngôn gây chú ý trong dư luận. Ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

Theo báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm, ông Trần Bắc Hà hiện đang sở hữu 136.643 cổ phiếu BID, chiếm 0,004% vốn tại BIDV.

Về hoạt động kinh doanh của BIDV, lợi nhuận trước thuế 6 tháng của ngân hàng này đạt 3.311 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủ ro tín dụng là 7.837 tỷ đồng.

Cũng như nhiều ngân hàng lớn khác, BIDV cũng bị sụt giảm lợi nhuận vì trích lập dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động tăng mạnh. 6 tháng đầu năm chi phí hoạt động của BIDV lên tới 5.781 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro là 4.526 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm cũng cho thấy, tổng nợ xấu là 13.183 tỷ đồng, với nợ có khả năng mất vốn là 6.343 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ so với cuối năm ngoái và chiếm một nửa tổng nợ xấu của ngân hàng này. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 2%, nhưng giá trị tuyệt đối của ngân hàng này lại tăng lên khá nhanh, khoảng 31% so với cuối năm 2015.

Trước đó, tính đến hết năm 2015, BIDV là ngân hàng có lượng nợ xấu bán lại cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) lớn nhất trong hệ thống, với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng.

An Hạ