Chủ thương hiệu Kem Tràng Tiền, bánh Givral lỗ hơn 70 tỷ đồng nửa đầu năm
(Dân trí) - One Capital Hospitality, chủ thương hiệu kem Tràng Tiền, bánh Givral, lỗ lũy kế gần 655 tỷ đồng đến ngày 30/6.
Công ty cổ phần One Capital Hospitality (mã chứng khoán: OCH) là chủ 2 thương hiệu ẩm thực lâu đời bánh Givral và Kem Tràng Tiền. Công ty còn sở hữu chuỗi khách sạn 4-5 sao như StarCity Nha Trang, Sunrise Beach Hotel & Resort Nha Trang...
Nửa đầu năm nay, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét, công ty lỗ hơn 70 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 32 tỷ đồng.
Công ty cho biết nguyên nhân chênh lệch đến từ doanh thu tài chính kỳ này không còn ghi nhận khoản lãi từ hoạt động thanh lý các khoản đầu tư dài hạn như kỳ trước. Chi phí tài chính cũng gia tăng đáng kể, do công ty tăng chi phí lãi vay để bổ sung vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
One Capital Hospitality trước đây có tên là Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương, do ông Hà Văn Thắm đứng đầu. Tuy nhiên, khi ông này bị bắt, công ty rơi vào "tâm bão" khi lần đầu tiên báo lỗ tới 866 tỷ đồng vào năm 2014.
Những năm sau đó, kết quả kinh doanh của One Capital Hospitality ghi nhận lỗ, lãi đan xen. Tính đến ngày 30/6, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ lũy kế gần 655 tỷ đồng.
Công ty có nợ vay tài chính hơn 1.687 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vay dài hạn (1.502 tỷ đồng). Khoản vay dài hạn lớn nhất tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), giá trị 1.380 tỷ đồng. Thời hạn vay 7 năm, lãi suất 7%/năm, đáo hạn năm 2030.
Khoản vay được đảm bảo bằng toàn bộ cổ phần và các quyền liên quan đến cổ phần của Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng (Bình Hưng) tại Công ty cổ phần IDS Equity Holdings; toàn bộ tài sản gắn liền với thửa đất có địa chỉ tại số 72-74 đường Trần Phú, phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa của Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang - công ty trong cùng tập đoàn; các hợp đồng tiền gửi của One Capital Hospitality.
Tại ngày 30/6, hàng tồn kho của One Capital Hospitality chủ yếu là các chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 293 tỷ đồng, tại các dự án như Starcity Airport, Nhà máy Tân Phú Trung... Tuy nhiên, dự án Starcity Airport đã phải trích lập dự phòng hơn 102 tỷ đồng.
Theo giải thích, dự án tọa lạc tại quận Tân Bình, TPHCM. Dự án này được hợp tác với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ Đại Dương Xanh (nay là Công ty TNHH Pegasus Thăng Long). Số tiền nhận góp vốn đầu tư đến ngày 30/6 là 116 tỷ đồng, tỷ lệ góp của Pegasus Thăng Long là 60%.
Toàn bộ chi phí phát sinh tại dự án này của công ty đến ngày 30/6 là giá trị quyền sử dụng đất và chi phí xây dựng dở dang, đã được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đại Dương - chi nhánh Sài Gòn để đảm bảo khoản vay của đối tác. Tài sản đảm bảo này đã có quyết định thi hành án để thu hồi nợ của Pegasus Thăng Long.
Công ty xác định mức tổn thất là toàn bộ chi phí của dự án đã phát sinh với số tiền hơn 218 tỷ đồng. Do vậy, công ty đã trích lập dự phòng 102 tỷ đồng, bằng tổn thất sau khi được bù trừ từ nguồn tiền nhận hợp tác kinh doanh từ Pegasus Thăng Long là 116 tỷ đồng. Ban lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá không còn các nghĩa vụ phải trả phát sinh liên quan thêm đến đối tác và dự án Starcity Airport.