1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chủ nợ lớn nhất của "bầu Đức": Hoàng Anh Gia Lai không mất khả năng chi trả!

(Dân trí) - Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà khẳng định với cổ đông, ngân hàng đang nắm giá trị tài sản đảm bảo của Hoàng Anh Gia Lai hơn 18 nghìn tỷ trên tổng dư nợ 10.500 tỷ đồng.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016 của BIDV sáng nay, nhiều câu hỏi của cổ đông chất vấn các thành viên ngân hàng về tình hình cho vay Hoàng Anh Gia Lai. Doanh nghiệp này vốn là khách hàng lớn có dư nợ tới 10.500 tỷ đồng tại BIDV.

Khẳng định với các cổ đông, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cho biết, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là một trong các đơn vị trả lãi sòng phẳng trong 20 năm qua.

Các sản phẩm của HAGL liên quan đến khoản vay của HAGL là đường, cao su, cọ dầu dọc tuyến biên giới Việt Nam, Camphuchia với diện tích 50.000 ha. Các dự án này liên hệ chặt chẽ tới an ninh quốc phòng.


Phòng giao dịch BIDV (ảnh minh hoạ).

Phòng giao dịch BIDV (ảnh minh hoạ).

Chủ tịch BIDV cũng khẳng định giá cao su dù giảm nhưng nếu bán đi tài sản thế chấp, BIDV hoàn toàn có thể thu hồi nợ. Hệ số tài sản đảm bảo/ dư nợ đạt tỷ lệ 1,8 lần. Giá trị tài sản đảm bảo là hơn 18 nghìn tỷ (tổng dư nợ 10.500 tỷ đồng).

Ông Hà cho biết, các ngân hàng (10 chủ nợ) đều đồng loạt đưa ra phương án hỗ trợ HAGL. Nếu bán toàn bộ, BIDV thu đủ nợ gốc và lãi nhưng nếu bán cần cẩn trọng, hiện Ngân hàng Nhà nước đang xem xét ở công đoạn cuối cùng.

“Do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, giá dầu xuống kéo theo giá cao su giảm, HAGL gặp khó khăn về thanh khoản chứ không phải mất khả năng chi trả", ông Hà nhấn mạnh

Được biết, ngoài BIDV, các chủ nợ lớn nhất của HAGL còn có Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV, Eximbank, Ngân hàng Á Châu (ACB), Ngân hàng Liên doanh Lào Việt, Sacombank, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)…

Tại đại hội, trả lời câu hỏi vì sao kết quả kinh doanh chứng khoán năm trước lãi hơn 1.000 tỷ, năm nay mảng kinh doanh này lỗ 50 tỷ đồng, đại diện BIDV cho hay: Khoản mục này phản ánh kinh doanh chứng khoán nợ gồm giao dịch trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc. Hiện hoạt động dự trữ thứ cấp (trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc) chiếm số dư khá lớn (hơn 100.000 nghìn tỷ).

Đề cập hơn kết quả kinh doanh của lĩnh vực này, lãnh đạo BIDV cho biết, lãi hoạt động này phụ thuộc vào lãi suất thị trường. Năm 2013 và 2014, BIDV thu được chênh lệch cao và đã hiện thực hóa lãi do trái phiếu được mua từ thời điểm lãi suất cao (giá thấp). Năm 2015, xu hướng lãi suất giảm dần khiến BIDV không còn thu được khoản lãi lớn từ giá chênh lệch mua bán. Mặt bằng trái phiếu chính phủ cao hơn lãi bình quân huy động vốn, nên việc mua trái phiếu chính phủ vẫn đóng góp vào hoạt động kinh doanh.

Tại đại hội, BIDV cũng trình cổ đông thông qua miễn nhiệm hai thành viên HĐQT gồm bà Nguyễn Thị Kim Thanh và ông Lê Đào Nguyên để nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy điịnh. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định cử ông Đặng Xuân Sinh, thanh viên HĐQT BIDV thay bà Thanh làm người đại diện 30% vốn nhà nước.

An Hạ

Chủ nợ lớn nhất của "bầu Đức": Hoàng Anh Gia Lai không mất khả năng chi trả! - 2