Chủ các nhà máy Trung Quốc "bấu víu" lấy ngành "hàng rong" để tồn tại

Hương Vũ

(Dân trí) - Xuất khẩu và đơn đặt hàng trong nước yếu ớt khiến các nhà sản xuất Trung Quốc phải chật vật tìm sự lựa chọn thay thế để bán hết hàng tồn kho.

Chủ các nhà máy Trung Quốc bấu víu lấy ngành hàng rong để tồn tại - 1
Những đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn tỏ ra nghi ngại với “nền kinh tế hàng rong”. Ảnh: He Huifeng.

Trong nhiều năm qua, các quầy hàng vỉa hè và người bán hàng rong luôn bị coi là biểu tượng của sự hỗn loạn và lạc hậu trong mắt chính quyền Trung Quốc. Lực lượng quản lý đô thị (thành quản) được giao nhiệm vụ dẹp các hàng quán trên đường phố. Cách làm có phần nặng tay của họ thường dẫn đến những cuộc tranh cãi gay gắt hoặc xô xát giữa người bán hàng rong và nhà chức trách.

Cho tới tháng trước, chính phủ Trung Quốc dường như đã thay đổi quan điểm khi nền kinh tế phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề do Covid-19. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khen ngợi thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên vì đã tạo ra 100.000 việc làm nhờ cho phép mở cửa 36.000 quầy hàng trên đường phố.

Tuy nhiên, các đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn tỏ ra nghi ngại với mô hình kinh tế này vì cho rằng nó không phù hợp với kế hoạch phát triển của họ. Một số nơi thậm chí còn tuyên bố sẽ đẩy mạnh việc kiểm soát hoạt động bán hàng rong.

Dù vậy, sự tán thành nền kinh tế hàng rong của Thủ tướng Lý đã tiếp thêm động lực cho Huang Weijie, 44 tuổi, chủ một nhà máy may mặc đang chật vật tồn tại ở tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc. Với hàng chục nghìn bộ quần áo tồn kho, Huang biết rằng ông cần phải sáng tạo nếu muốn sống sót qua suy thoái kinh tế toàn cầu.

Ông chủ nhà máy quyết định chất quần áo lên ô tô, lái xe xuống phố và bày ra lề đường bán rong. Không ít chủ cơ sở sản xuất nhỏ ở Trung Quốc cũng có chung ý tưởng với Huang. Trước đây, những quán hàng rong ven đường chủ yếu là công cụ kiếm kế sinh nhai của những người có thu nhập thấp hay thất nghiệp.

Nhưng khi đại dịch càn quét nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khiến hàng chục triệu người lao động rơi vào cảnh bấp bênh, ngay cả các nhà sản xuất nhỏ như Huang cũng phải xuống đường để tồn tại.

“Tôi đã nghĩ đến việc đóng cửa nhà máy vĩnh viễn, nhưng sự ủng hộ của Thủ tướng Lý Khắc Cường với nền kinh tế hàng rong đã truyền cảm hứng cho tôi”, Huang chia sẻ.

Khác với những người bán rong thông thường chỉ đủ điều kiện để dựng một quầy hàng nhỏ ven đường, ông chủ Huang lái một chiếc Toyota màu trắng, với một tấm bạt và trong cốp xe chất đầy quần áo đủ màu. Huang đầu tư tiền thuê quầy hàng ở nhiều khu dân cư khác nhau tại thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông.

Một tuần sau đó, ông di chuyển đến Phật Sơn, rồi lần lượt đến các thành phố khác trong vùng như Đông Quan và Trung Sơn. Huang thừa nhận rằng rất khó để mở hàng rong tại các trung tâm thương mại ở các thành phố lớn của Quảng Đông. Các khu bán hàng rong chủ yếu được tìm thấy ở những thành phố nhỏ hoặc thị trấn, xung quanh các khu công nghiệp và nhà máy.

Huang đã điều hành nhà máy của mình trong hơn một thập kỷ. Hoạt động kinh doanh từng rất thuận lợi, mang lại nguồn thu nhập ổn định, nhưng nhà máy rơi vào trì trệ kể từ khi Covid-19 bùng phát. “Tôi còn hàng chục nghìn bộ quần áo tồn kho từ cuối năm ngoái”, Huang cho biết.

Ban đầu, Huang cố gắng bán ở các chợ bán buôn và cửa hàng bán lẻ ở Quảng Châu, nhưng không thành công. Sau đó, ông bắt đầu thử xem liệu thị trường đường phố mới nổi có thể giúp giải quyết đống hàng tồn và trở thành một kênh bán hàng mang đến dòng tiền ổn định, cho phép nhà máy tiếp tục hoạt động ở mức tối thiểu trong nửa cuối năm nay hay không.

Chủ các nhà máy Trung Quốc bấu víu lấy ngành hàng rong để tồn tại - 2
Giống như nhiều ông chủ nhà máy khác, Huang Weijie đang chật vật để cứu lấy doanh nghiệp của mình. Ảnh: SCMP.

Hoàn cảnh như Huang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Một số lượng lớn các nhà sản xuất nhỏ thuộc mọi ngành nghề, bất kể sản phẩm được xuất khẩu hay bán trong nước, đều đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Họ hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn trầm trọng để tiếp tục hoạt động, trong khi số lượng hàng tồn kho ngày càng tăng.

“Mọi người đều mong chờ sự phục hồi của xuất khẩu. Nhưng với số ca nhiễm vẫn tiếp tục leo thang trên toàn cầu, chúng tôi biết điều đó vẫn còn rất xa với”, Huang nói. “Trong khi đó, chúng tôi không thể trả các khoản thanh toán để tiếp tục vận hành các nhà máy bởi tiền đã cạn rồi.”

Liang Lu, người điều hành một hiệp hội các nhà sản xuất ở Đông Quan, đã chỉ ra một danh sách dài các công ty đang bị buộc phải đóng cửa hoặc vật lộn vì hàng tồn kho.

“Tuần trước, chủ một nhà máy đã đến nhờ chúng tôi bán giúp 4 triệu đôi tất tồn kho. Tuần này, một xưởng giày dép tìm đến với hàng chục nghìn sản phẩm ế trị giá 16 triệu NDT (2,29 triệu USD)”, Liang kể.

Hôm 15/7, nhà máy giày dép Lida có trụ sở tại Quảng Châu tuyên bố sẽ đóng cửa, khiến 1.200 công nhân mất việc. Công ty cho biết hoạt động xuất khẩu đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi đại dịch và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong thư gửi nhân viên, công ty cho biết ban lãnh đạo đã nỗ lực tìm đủ mọi cách để tăng đơn hàng và dòng tiền, nhưng không thành công, do đó buộc phải đóng cửa.

Theo Huang, ngày càng ít cá nhân và doanh nghiệp hoạt động tại các chợ bán buôn ở Quảng Châu. Đây từng là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất Trung Quốc, liên tục có đơn đặt hàng vận chuyển đến khắp nơi trên cả nước và toàn thế giới. “Doanh số tại các chợ bán buôn quần áo đang giảm sút và ngày càng có ít người mua từ nước ngoài”, Huang nói.

Trước khi dịch Covid-19 ập đến, Quảng Đông thu hút khoảng 40 triệu người nhập cư từ khắp Trung Quốc tới làm việc. Hồi tháng 5, Huang từng cố bán hàng ở Shangxiajiu, phố mua sắm nhộn nhịp nhất Quảng Châu, với giá 3.500 NDT (500 USD). Ông hy vọng đây sẽ là mảnh đất màu mỡ giúp cứu vãn tình hình, nhưng mọi thứ không diễn ra như mong đợi. Mùa hè năm ngoái, giá thuê ở đây là 6.000 NDT/ tháng.

“Cả tháng trời, tôi kiếm chưa được 4.000 NDT (hơn 570 USD) tại cửa hàng ở Shangxiajiu”, Huang nói. “Sức mua của người nhập cư ở Quảng Đông yếu hơn trước rất nhiều và không ít người đã bỏ đi vì nhà máy đóng cửa.”

Theo Huang, các cửa hàng ở Shangxiajiu đang đua nhau giảm giá trong nỗ lực tuyệt vọng để bán hết hàng tồn. Nhưng ngay cả vậy, doanh số vẫn rất thấp.

Tháng trước, Huang đã chi 350 NDT (50 USD) để thuê một căn hộ trong khu phố Xiaolan, thành phố Trung Sơn. Sau đó, ông đi tìm các khu bán hàng rong trong bán kính 20km gần căn hộ của mình. “Tôi lần mò và vẽ bản đồ các khu bán hàng rong gần căn hộ của mình, nơi tập trung đông lao động nhập cư làm việc, sinh sống”, ông kể.

“Hầu hết các quầy hàng chỉ rộng khoảng 6m2, có giá thuê từ 400 đến 600 NDT một tháng. Ở một số nơi, tôi có thể kiếm được 500 NDT mỗi đêm, nơi khác chỉ 200 NDT. Nó phụ thuộc vào số lượng nhà máy đang hoạt động gần đó. Tôi định mở khoảng 20 quầy hàng hoặc hơn và thuê thêm người bán”, Huang cho hay.

Tình hình kinh doanh của các nhà sản xuất nhỏ có thể sẽ còn tồi tệ hơn nữa trước khi khởi sắc trở lại. Simon Zhao, chuyên gia tại Đại học Quốc tế Chu Hải - dự đoán các nhà máy Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng cửa vì nhu cầu cả trong và ngoài nước vẫn sẽ yếu trong những tháng tới.