Đại biểu Quốc hội:

Chống sở hữu chéo, thao túng thì cần xác định ai là chủ thực của ngân hàng

Trần Kháng

(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là cần xác định được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng.

Chiều nay (23/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Nhiều nội dung góp ý của đại biểu tập trung vào các vấn đề như: can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng, giảm thao túng, giảm sở hữu chéo, xử lý ngân hàng yếu kém…

Yếu tố hàng đầu là xác định được cá nhân, tổ chức nào là chủ ngân hàng

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi khó, tác động rất lớn đến kinh tế xã hội, thậm chí là an ninh trật tự nên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng.

Theo ông, các quy định của dự thảo luật phải hướng tới mục tiêu kép, đó là tạo cơ chế thúc đẩy hệ thống các tổ chức tín dụng phát triển khỏe, mạnh nhưng phải an toàn để làm bệ đỡ cho nền kinh tế.

Góp ý vào một số nội dung cụ thể của dự thảo luật này, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, ông tiếp tục quan tâm đến vấn đề tạo cơ chế để xử lý tình trạng sở hữu chéo.

Ông nêu, qua vụ việc của SCB và thực trạng hiện nay đặt ra "bộ 3 yêu quái" tạo nên những rủi ro lớn cho hệ thống đó là sở hữu chéo, chi phối, thao túng tổ chức tín dụng. Những vấn đề này cần phải tiếp tục được nhận diện để xử lý, loại trừ.

Chống sở hữu chéo, thao túng thì cần xác định ai là chủ thực của ngân hàng - 1

Đại biểu Trịnh Xuân An (Ảnh: Quochoi.vn).

Theo ông An, sở hữu chéo, chi phối và thao túng là các thủ thuật rất tinh vi và thường vô hình. Tuy nhiên, công cụ như luật đang thiết kế (giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm hạn mức cấp tín dụng và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ) là hữu hình để trị cái vô hình thì không hiệu quả.

Giải thích thêm vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cốt lõi của hệ thống ngân hàng nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân hoặc tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng.

Do đó, Luật cần phải được xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân hoặc tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng.

Đại biểu đề nghị, minh bạch thông tin của tất cả cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì giảm tỷ lệ sở hữu; xác định nghĩa vụ công bố thông tin đối với cổ đông (cả tổ chức và cá nhân) và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng trên một mức cụ thể. Tiếp đó, cần kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn ĐBQH Bình Phước) cho rằng, các quy định về người có liên quan trong các tổ chức tín dụng là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi vấn đề thao túng, "sân trước sân sau" trong hoạt động ngân hàng đang là vấn đề "nóng". Các sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động ngân hàng được phát hiện trong thời gian gần đây.

Theo đại biểu này, việc quy định trong dự thảo Luật nội dung này nhằm hướng đến việc hạn chế thao túng, sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và hạn chế quyền tập trung cổ phần vào một nhóm cổ đông. Qua đó, hạn chế quyền điều hành, quản trị lợi ích nhóm, ảnh hưởng tới lợi ích tín dụng và cổ đông khác.

Xử lý tổ chức tín dụng yếu kém phát sinh các trường hợp đặc thù

Cũng góp ý về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn ĐBQH Tỉnh Quảng Trị) cho biết, thực tiễn trong quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém đã phát sinh những trường hợp đặc thù chưa có quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo đại biểu, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xử lý đổ vỡ ngân hàng mới đây tại Mỹ, châu Âu, cũng như thực tiễn vừa qua tại Việt Nam cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định về cho vay đặc biệt cũng như quy định về xử lý sự cố rút tiền hàng loạt của các tổ chức tín dụng tại dự thảo Luật.

Luật hiện hành quy định áp dụng can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả 3 tháng liên tục, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn 6 tháng liên tục, xếp hạng dưới mức trung bình.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, về các biện pháp áp dụng khi can thiệp sớm trong "phương án khắc phục" chỉ bao gồm các biện pháp tự khắc phục của phía tổ chức tín dụng, như thu hẹp hoạt động, tăng vốn điều lệ, hạn chế giao dịch, cắt giảm chi phí, tăng cường quản trị... Đồng thời, ngân hàng Nhà nước chấm dứt can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng khắc phục được, hoặc tổ chức tín dụng được đặt vào kiểm soát đặc biệt.