Chông gai con đường kế vị của “thái tử Samsung”

(Dân trí) - Tập đoàn Samsung có thể sẽ trì hoãn việc đưa ông Lee Jae Yong vào vị trí chủ tịch nhằm tránh viễn cảnh vừa được bổ nhiệm đã phải vào tù do những vấn đề pháp lý chưa được giải quyết.

Chuẩn bị vài thập kỷ nhưng vẫn chưa “sẵn sàng”

Chông gai con đường kế vị của “thái tử Samsung” - 1
Lee Jae Yong rời Tòa án Quận Trung tâm Seoul ngày 8/6/2020. Ảnh: Bloomberg.

Ông Lee Jae Yong (còn gọi là Jay Y. Lee)  đã chuẩn bị vài thập kỷ để tiếp quản Samsung - một chaebol do ông nội sáng lập và cha mình gây dựng thành một đế chế công nghệ. Tuy nhiên, ngay cả sau khi người cha - cố Chủ tịch Samsung Electronics Lee Kun Hee - qua đời thì con trai duy nhất của ông có thể vẫn phải chờ một thời gian nữa để đảm nhiệm vai trò đứng đầu.

Theo Bloomberg, nguyên nhân là ông Lee Jae Yong đang đối mặt với 2 cáo buộc hối lộ và gian lận kế toán. Dù ông Lee - hiện là Phó Chủ tịch Samsung Electronics - liên tục phủ nhận mọi cáo buộc, song ông có thể phải đối mặt án tù nếu bị kết tội.

Vì vậy, Samsung có thể tạm hoãn việc bổ nhiệm ông Lee vào vai trò Chủ tịch Samsung Electronics của cha mình ít nhất cho đến khi phiên tòa đầu tiên hoàn tất trong những tháng tới, tránh trường hợp vị chủ tịch mới phải quay trở lại nhà tù sau khi vừa nhậm chức.

“Tôi nghĩ ông Lee sẽ được thăng chức đầu năm tới. Ông ấy có thể cũng đợi đến khi vụ án hối lộ hoàn tất”, Lee Sang-hun, nhà phân tích tại HI Investment & Securities nhận định.

Tập đoàn Samsung đã từ chối bình luận về vấn đề này và không tiết lộ ai sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch cũng như thời điểm bổ nhiệm.

Chông gai con đường kế vị của “thái tử Samsung” - 2

Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun Hee qua đời tại tuổi 78 vào hôm 25/10 vừa qua. Ảnh: AP

Thời điểm chính thức nắm quyền của ông Lee Jae Yong được đánh giá là rất nhạy cảm trong bối cảnh công chúng Hàn Quốc rất bất mãn với các tập đoàn gia đình quyền lực ở đất nước này, hay còn gọi là các chaebol.

Phản ứng dữ dội đó một phần xuất phát từ các cáo buộc tham nhũng cấp cao chống lại ông Lee, dẫn đến việc luận tội Tổng thống khi đó là bà Park Geun Hye.

Ngoài ra, kế hoạch chuyển giao quyền lực cũng thêm phức tạp với số tiền thuế thừa kế khổng lồ mà gia đình Samsung sẽ phải nộp. Theo Bloomberg Billionaires Index, cố chủ tịch Lee Kun Hee sở hữu khối tài sản 20,7 tỷ USD và thuế thừa kế lên tới 10 tỷ USD, theo luật pháp Hàn Quốc.

Ông Chung Sun Sup, giám đốc điều hành của công ty phân tích doanh nghiệp Chaebul.com có trụ sở tại Seoul, cho biết hầu hết các gia đình chọn nộp thuế bằng tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu để duy trì quyền kiểm soát. Ông nói họ có thể mất 5 năm để thực hiện các khoản thanh toán.

Không cần là “Lee Kun Hee thứ hai”

Cũng không có gì bất ngờ về việc ông Lee được bổ nhiệm để kế nghiệp người cha quá cố. Lee nói được ba thứ tiếng, từng học tại Đại học Keio của Nhật Bản và Trường Kinh doanh Harvard sau khi nhận bằng đại học từ Đại học Quốc gia Seoul, trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc.

“Vị thái tử” này cũng đã mang đến một cách tiếp cận toàn cầu hơn cho ban lãnh đạo của Samsung, tạo dựng mối quan hệ với các đối tác quan trọng như nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs.

Ông Chang Sea-Jin - giáo sư Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore - cho biết, các lựa chọn thay thế Lee có thể còn tệ hơn. Theo ông, bổ nhiệm một chủ tịch tạm thời từ đội ngũ lãnh đạo cao cấp của Samsung sẽ làm phức tạp thêm vấn đề. Vì khi đó, tập đoàn sẽ có thêm một tầng lãnh đạo khi ra quyết định.

Chông gai con đường kế vị của “thái tử Samsung” - 3

Vào tháng 2/21017, “thái tử” Samsung bị bắt giữ và bị cáo buộc liên quan đến vụ bê bối hối lộ. Vụ bê bối này khiến bà Park Geun-hye bị đình chỉ chức vụ Tổng thống Hàn Quốc và bị luận tội. Ảnh: Reuters

“Tôi nghĩ Lee nên làm chủ tịch ngay. Dù gì trong hoàn cảnh nào, ông ấy cũng phải ra quyết định. Ông ấy không cần phải là một Lee Kun Hee thứ hai; bởi giờ đây Samsung đã có một đội ngũ quản lý chuyên nghiệp và lớn mạnh hơn nhiều. Ông ấy nên là một kiểu chủ tịch khác với cha mình”, Giáo sư Chang nói.

Samsung cũng không mong muốn một sự thay đổi lớn nào khác. Dù Samsung nổi tiếng trên toàn cầu là nhà sản xuất smartphone và đồ gia dụng, phần lớn doanh thu của công ty này đến từ việc cung cấp linh kiện bao gồm chíp nhớ và màn hình cho những công ty như Apple.

Tập đoàn này đang đối mặt với loạt thử thách từ Apple cùng các đối thủ cạnh tranh mới nổi ở Trung Quốc trong thị trường điện thoại thông minh cũng như khó khăn kinh niên về vấn đề giá cả của con chip bộ nhớ.

Samsung cũng đang bắt tay đầu tư cho những sáng kiến đắt đỏ trong công nghệ không dây thế hệ thứ năm và ngành đúc bán dẫn.

Những rắc rối pháp lý của ông Lee có thể kéo dài trong nhiều năm. Một phiên tòa xét xử lại các cáo buộc hối lộ và tham nhũng sẽ diễn ra trong năm nay, với quyết định có thể vào đầu năm sau. 

Còn cáo buộc mới hơn liên quan tới sai phạm kế toán có thể sẽ được xét xử vào tháng 1/2021 và dự kiến kéo dài trong vài tháng.

Dù vậy, các vụ án này tại Hàn Quốc không khiến họ bị kỳ thị như ở nhiều nước khác. Ông Lee Kun Hee từng hai lần bị kết tội và được ân xá hai lần. Chủ tịch SK Group cũng vào tù năm 2013, sau đó quay lại điều hành công ty năm 2016.

Samsung Electronics ngày nay là nền tảng của nền kinh tế Hàn Quốc và là một trong những công ty chi tiêu nhiều nhất trên thế giới cho nghiên cứu và phát triển.

Ông Lee nắm vai trò chủ tịch Samsung Group từ năm 1987 đến 1998, chủ tịch kiêm CEO Samsung Electronics từ 1998 đến 2008 và sau đó là chủ tịch Samsung Electronics từ năm 2010 cho đến khi ông qua đời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm