1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chồng chéo trong kiểm dịch sản phẩm có chứa sữa: Lãng phí hàng trăm tỉ đồng

(Dân trí) - Hiện nay, các doanh nghiệp đang phải chi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch của Cục Thú y đối với các sản phẩm có chứa sữa. Đáng nói là, các sản phẩm đồng thời cũng phải kiểm tra an toàn thực phẩm với các chỉ tiêu tương tự, và giấy chứng nhận kiểm dịch do Cục Thú y cấp lại chỉ có giá trị từ 1-2 tháng!

Tại hội thảo ngày 1/11/2018 do Viện Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức và tại hội thảo ngày 16/11/2018 tổ chức bởi Cục Thú y, các hiệp hội trong ngành thực phẩm đã chỉ ra hàng loạt các bất cập trong việc Kiểm dịch thú y quy định trong Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT. Quy định hiện tại yêu cầu các sản phẩm có chứa sữa đều phải trải qua kiểm dịch để được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.

Đại diện Tiểu ban dinh dưỡng thuộc Phòng Thương mại Châu Âu Eurocham cho biết: các sản phẩm có chứa sữa (dù thành phần có thể chỉ có vài giọt sữa, hay một ít chất chiết xuất từ sữa như đạm sữa, chất béo sữa) kể cả đã hoàn thành quá trình kiểm tra an toàn thực phẩm, vẫn phải được kiểm dịch, mặc dù các chỉ tiêu kiểm tra là như nhau. Sự chồng chéo bất hợp lý này gây ra gánh nặng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, chỉ riêng cho việc kiểm dịch. Nhưng doanh nghiệp chỉ nhận được giấy chứng nhận chỉ có giá trị trong vòng 1-2 tháng và không có gì để đảm bảo cho vấn đề an toàn dịch bệnh sau thời gian giấy chứng nhận hết hiệu lực.

Doanh nghiệp phải trả phí cho 5 lần kiểm dịch cho cùng một chỉ tiêu vi sinh
Doanh nghiệp phải trả phí cho 5 lần kiểm dịch cho cùng một chỉ tiêu vi sinh

Thậm chí, các sản phẩm dinh dưỡng y tế dùng cho bệnh nhân chỉ chứa một ít đạm sữa, hay các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em có chứa sữa, đã được tiệt trùng và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của bộ tiêu chuẩn thực phẩm Codex* quốc tế (vốn dĩ cực kỳ an toàn vì đã qua xử lý nhiệt) vẫn phải kiểm dịch động vật. Tiểu ban dinh dưỡng Eurocham cũng nêu kiến nghị: đối với các sản phẩm có thành phần là sữa đã được tiệt trùng như trên, chỉ cần kiểm tra hồ sơ lô hàng là đủ, hoặc có thể lấy thêm mẫu kiểm nghiệm ngẫu nhiên một lô mỗi năm. Thực chất, nhiều năm nay, không hề phát hiện được bất kỳ trường hợp vi phạm nào về kiểm dịch sản phẩm.

Doanh nghiệp phải lãng phí nhiều tỷ đồng cho khẩu kiểm dịch sản phẩm chứa sữa trong khi giấy chứng nhận chỉ có giá trị 2 tháng
Doanh nghiệp phải lãng phí nhiều tỷ đồng cho khẩu kiểm dịch sản phẩm chứa sữa trong khi giấy chứng nhận chỉ có giá trị 2 tháng

Chia sẻ quan điểm của tiểu ban dinh dưỡng Eurocham, Tiến sĩ Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng quy trình này kiểm dịch tốn kém chi phí khi để kiểm dịch một lô hàng sẽ phải lấy năm mẫu, và doanh nghiệp sẽ phải trả chi phí cho năm lần kiểm dịch với cùng 1 chỉ tiêu vi sinh. Trong khi đó, sản phẩm được kiểm tra an toàn thực phẩm với cùng các chỉ tiêu như vậy, lại chỉ cần lấy một mẫu, và trả chi phí cho một lần kiểm. Thời gian chờ kiểm dịch dài cũng gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng có hạn sử dụng ngắn như sữa chua, sữa thanh trùng, kem, trong khi giấy chứng nhận kiểm dịch lại chỉ có giá trị trong vòng 2 tháng.

Trước những bức xúc của các Hiệp hội doanh nghiệp, Đại diện Cục Thú y giải thích rằng kiểm dịch “các sản phẩm động vật” là việc làm cần thiết, đã được quy định bởi Tổ chức Thú y quốc tế OIE. Tuy nhiên, để giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, Cục đã đề xuất 5 lô chỉ kiểm 1 lô đối với các sản phẩm đã qua chế biến có nguy cơ thấp.

Tuy vậy, các Hiệp hội đều không đồng ý với giải thích này, và cho rằng dự thảo mới mặc dù có tiến bộ nhưng chưa thực sự hợp lý, danh mục các sản phẩm từ sữa cần kiểm dịch vẫn còn quá rộng, và quá mức cần thiết.

Người tiêu dùng chính là người sẽ phải chịu thiệt cuối cùng khi các loại thuế và phí chồng chất tiếp tục đè nặng doanh nghiệp sản xuất (Ghi nguồn ảnh: TTXVN)
Người tiêu dùng chính là người sẽ phải chịu thiệt cuối cùng khi các loại thuế và phí chồng chất tiếp tục đè nặng doanh nghiệp sản xuất (Ghi nguồn ảnh: TTXVN)

Chuyên gia Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý (Tổng cục Hải quan), cho rằng Tổ chức Thú y quốc tế OIE và Luật thú y chỉ yêu cầu kiểm dịch “các sản phẩm động vật” là các sản phẩm có nguồn gốc từ cơ thể của một con vật, chứ không phải kiểm dịch “các sản phẩm chứa sản phẩm động vật”. Điều này gây ra nhiều bất cập trong lĩnh vực kiểm dịch thú y như phạm vi kiểm dịch quá rộng, thủ tục quá phức tạp, và chi phí quá cao. Doanh nghiệp đang phải chịu phí tổn này, nhưng người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt hại cuối cùng do giá thành sản phẩm tăng. Ông Bình thẳng thắn: Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết 19/2018/NĐ-CP yêu cầu Bộ Nông nghiệp sửa đổi quy định về kiểm dịch; chỉ nên kiểm dịch sản phẩm động vật tươi sống và sơ chế.

Phản ánh những bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, ngày 20/11/2018, Hiệp hội Sữa Việt nam đã gửi Công văn số 94/CV/HHS tới Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị: Các sản phẩm chứa sản phẩm sữa đã qua tiệt trùng (để loại trừ nguy cơ gây dịch bệnh), cần được giảm tối đa số lần kiểm dịch, cụ thể chỉ nên kiểm tra hồ sơ các lô, và lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên 1 lần/năm.

*Codex: Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế, một tổ chức liên chính phủ của Liên hiệp quốc do FAO và WHO đồng sáng lập.