"Chơi với EU, người Việt mới nâng cấp được giá trị của mình"

(Dân trí) - "Khi làm ăn với EU, một đối tác dẫn dắt thế giới và khó tính, doanh nghiệp Việt, người Việt có thể nâng cấp mình lên. Chơi với người ở chuẩn mực cao chúng ta sẽ trở thành doanh nghiệp hiện đại".

Chia sẻ về những thách thức của hàng Việt, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường châu Âu khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sắp ký kết Hiệp định tự do thương mại FTA (EVFTA), ông Vũ Tiến Lộc khẳng định: Doanh nghiệp Việt cần là chủ thể, làm quen cách chơi chuyên nghiệp của thị trường hiện đại bậc nhất thế giới.

Chơi với EU, người Việt mới nâng cấp được giá trị của mình - 1

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, thành viên đoàn đàm phán FTA Việt Nam - EU

Thông tin Việt Nam sắp ký kết FTA với EU loan tải giúp cộng đồng doanh nghiệp khá vui. Tuy nhiên, có nhiều ngờ vực bởi qua rất nhiều FTAs song và đa phương, doanh nghiệp Việt, người dân Việt còn hưởng giá trị khiêm tốn, thậm chí nhường miếng ngon cho nước ngoài.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, thành viên đoàn đàm phán FTA Việt Nam - EU

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên đàm phán FTA Việt Nam và EU đã có chia sẻ với báo giới.

Điều đầu tiên, ông cảm nhận gì về việc Việt Nam sắp "bắt tay" với gần 30 nền kinh tế hàng đầu châu Âu?

- Tôi thở phào nhẹ nhõm khi được tin hiệp định được ký kết cuối tháng này, vì châu Âu là nền kinh tế thế giới, là trái tim và là thị trường lớn, khởi nguồn của công nghệ thế giới, trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo toàn cầu.

Khi khai thông được với EU, chúng ta coi như đã xây dựng đường cao tốc hướng tây, kết nối Việt Nam với thị trường hàng đầu thế giới.

Hành trình tiến tới ký kết là gian nan, trong quá trình đàm phán, rà soát văn bản, hành trình phê chuyển của quốc hội châu Âu, và Việt Nam, chúng ta hy vọng năm nay, nó mở cơ hội lớn cho Việt Nam.

Là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, chắc hẳn ông khá vui, niềm vui của ông phải chăng từ những chuyến hàng Việt sẽ sang được châu Âu bằng chính thương hiệu Việt chứ không phải thương hiệu nước khác?

- Hiện nay xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đều chiếm 20% tổng kim ngạch của chúng ta, nếu phê chuẩn chính thức, con số này có thể tăng gấp đôi, gấp 3 trong tương lai. Đây là chuyện hoàn toàn đặt tới được.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là xuất khẩu hay đầu tư mà là chất lượng dòng chảy của hàng Việt. Với EU, thị trường cao, giá hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng về giá trị hơn, đồng thời khiến hàng Việt nâng tầm giá trị của mình.

Tôi khẳng định, doanh nghiệp Việt đừng chỉ chú trọng và nhìn vào khối lượng mà cần quan tâm đến giá trị của từng mặt hàng. Với châu Âu, chúng ta cần tận dụng điều này bởi vì thị trường châu Âu họ bổ sung, tương hỗ cho kinh tế Việt Nam chúng ta.

Thứ 2, tác động của EVFTA giúp thu hút FDI vào Việt Nam, họ muốn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng giá trị của Việt Nam như nhân lực trẻ, kinh tế mở để xuất ngược trở lại, từ đó Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng đầu tư, việc bây giờ là cần tái cơ cấu dòng vón FDI, những dòng đầu tư Mỹ, Nhật, EU cần khơi thông vì nó đi liền với nhiều công nghệ sạch, quy trình quản lý sạch.

EVFTA không phải là sân chơi lớn của Việt Nam, trước đó chúng ta có tham gia nhiều FTAs song và đa phương khác. Tuy nhiên, tổng kết lại, các chuyên gia, giới chức Việt cho biết doanh nghiệp Việt vẫn khó năm trong việc khai thác các thị trường lớn. Việt Nam dễ rơi vào cảnh là bàn đạp cho các nước lợi dụng để gia công, xuất khẩu, quan điểm của ông về vấn đề này?

- Chúng ta đã biết khi làm ăn với EU, một đối tác dẫn dắt thế giới và khó tính, doanh nghiệp Việt, người Việt có thể nâng cấp mình lên. Chơi với người ở chuẩn mực cao chúng ta sẽ trở thành doanh nghiệp hiện đại.

Tác động vô cùng lớn đó chính là khi tham gia vào áp lực để thay đổi thể chế kinh tế trong nước, trong tầm nhìn 2045, Việt Nam sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, chúng ta muốn lọt 20 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, tức là phải vươn tới chuẩn của OECD... Như vậy, bắt tay với EU, chúng ta sẽ có cơ hội để chúng ta hiện thực hóa ước vọng của dân tộc mình, tôi nghĩ cơ hội EVFTA mang tính tích hợp chứ không phải riêng lẻ.

Trong thế giới, các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng cạnh tranh, vươn ra thị trường toàn cầu, chúng ta cũng cần có chiến lược như vậy. Nâng cấp khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa là yêu cầu cấp bách.

Năng lực quản trị của doanh nghiệp niêm yết trên sàn của Việt Nam trong 6 nền kinh tế ASEAN+6, Việt Nam đội sổ.

Với doanh nghiệp niêm yết, chúng ta coi họ là doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, điều đó cho thấy năng lực quản trị của doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam vẫn còn rất kém so với nhu cầu cạnh tranh sắp tới.

Trong luật doanh nghiệp sửa đổi sắp tới, tôi đề nghị cởi bỏ nhiều ràng buộc cho khu vực doanh nghiệp nhỏ, cần chính sách làm cho họ đơn giản hơn, dễ thở hơn, giúp cho họ minh bạch hơn. Trong thế giới điện tử hóa, thì không thể không minh bạch được.

Tiếp xúc với doanh nghiệp châu Âu, thị trường châu Âu, ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp Việt, cho hàng Việt sang "trời Âu"?

- Tôi kể một chuyện, trước đây, nông sản Việt xuất sang Trung Quốc chất lượng thế nào cũng được, xuất chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Nhưng gần đây họ chặn tiểu ngạch, yêu cầu chứng nhận xuất xứ nguồn gốc..

Một thị trường dễ tính bậc nhất với hàng Việt đã đòi hỏi như vậy thì với châu Âu thì còn khắc nghiệt hơn, chúng ta phải thay đổi. Các doanh nghiệp sẽ không có thi trường nếu không minh bạch, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững.

Ở EU, người ta còn để ý quá trình sản xuất hàng hóa đó, sản phẩm đó có nhân văn hay không, nếu người ta phát hiện hàng nhập khẩu đó tiếp tay cho sự không nhân văn, hủy diệt tài nguyên thì họ sẽ tẩy chay.

Khi chơi với EU hay với Mỹ, Nhật Bản, chúng ta không thể chơi kiểu tù mù được, phải chơi kiểu chuyên nghiệp.

Để lên bàn cân, ông đánh giá sau nhiều cuộc chơi, sau nhiều lần bị các doanh nghiệp nước ngoài vượt mặt, doanh nghiệp Việt có "tỉnh ngộ" để đón nhận cơ hội từ các sân chơi tự do mới, cụ thể như với thị trường EU?

- Chúng ta mới chỉ hiện thực hóa được 40% giá trị từ các FTAs mang lại, còn lại bay đi đâu mất, không rõ. Trong 40% đó, doanh nghiệp nước ngoài chiếm hầu như hết giá trị, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm khoảng 12% giá trị.

Đó là thách thức, các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động, không phải ra thế giới mới cạnh tranh, các doanh nghiệp quốc tế đang đem hàng đến cả sân nhà mình rồi, chúng ta phải cạnh tranh ngay ở sân nhà mình.

Tôi đau xót nhất là khu vực FDI vẫn là ốc đảo, không kết nối được, với doanh nghiệp Việt. Hiện nay, chính doanh nghiệp vừa và nhỏ, tư nhân Việt Nam mới là người cần đóng góp vào sự phát triển của đất nước, tất cả giá trị phát triển đều phụ thuộc vào liên kết này.

Các doanh nghiệp Việt có thể vươn lên nắm bắt cơ hội, không chỉ cam phận lắp ráp đâu mà phải tỉnh táo. Gần đây, tôi thấy đầu tư Trung Quốc tăng vào Việt Nam, nhưng chủ yếu là lắp ráp. Nhưng, nếu chúng ta mãi an phận là công xưởng gia công hay sao.

Cùng sân chơi, cùng cơ hội sao người Việt lại không bằng họ. Chúng ta phải là công xưởng xanh của thế giới, chứ không thể là công xưởng bẩn của thế giới.

Trân trọng cảm ơn ông!

An Linh