Chơi Tết sang, dân sành điệu Hà Nội mua ấm cổ tử sa 90 triệu đồng pha trà

(Dân trí) - Chiếc ấm tử sa có giá 90 triệu đồng được anh Mai Hải Đăng (Hà Nội) dùng pha trà trong dịp Tết 2020. Chiếc ấm được làm từ 3 loại khoáng hiếm và chế tác bởi 3 nghệ nhân trứ danh ở Trung Quốc.

Chơi Tết sang, dân sành điệu Hà Nội mua ấm cổ tử sa 90 triệu đồng pha trà - 1

Chiếc ấm tử sa có giá 90 triệu đồng được anh Mai Hải Đăng (Hà Nội) dùng pha trà trong dịp Tết 2020

Anh Đăng nâng niu chiếc ấm tử sa có giá 90 triệu đồng như bảo vật trong nhà. Anh luôn tâm niệm, mỗi chiếc ấm là một tác phẩm nghệ thuật, người chơi ấm chính là nghệ sỹ. Giá trị của chiếc ấm ngoài nằm ở những dãy số sẽ phụ thuộc vào ánh nhìn của người chơi.

Thông thường, người chơi sẽ căn cứ vào 3 điểm để quyết định nên giá thành của bảo vật là khoáng ấm (chất làm ra ấm), hình dáng ấm và thanh danh của người làm ấm.

Dân sành chơi mua ấm tử sa cổ để pha trà

Chiếc ấm tử sa của anh Đăng được làm từ 3 loại khoáng hiếm ở vùng Nghi Hưng (Trung Quốc), nếu dùng kính hiển vi soi kỹ sẽ thấy chiếc ấm hiện ra 5 màu. Đặc biệt, nước trà trong ấm sẽ luôn giữ được độ tươi ngon vòng 6-7 ngày mà không hề bị ôi thiu.

Chơi Tết sang, dân sành điệu Hà Nội mua ấm cổ tử sa 90 triệu đồng pha trà - 2

Chiếc ấm tử sa của anh Đăng được làm từ 3 loại khoáng hiếm ở vùng Nghi Hưng, Trung Quốc

“Giá trị của bảo vật được nâng lên là bởi 3 nghệ nhân chế tác ấm vô cùng nổi tiếng, gồm thợ làm đất, thợ làm ấm và thợ điêu khắc. Trong đó, nét họa tinh xảo trên ấm là độc nhất vô nhị, khó có thể tìm được phiên bản thứ 2” – anh Đăng nói.

Điểm đặc biệt khiến giới sành chơi phát cuồng, sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để sưu tập ấm tử sa là bởi đồ dùng càng lâu sẽ càng giá trị. Chiếc ấm chuẩn là qua nhiều lần pha sẽ càng mịn, sáng bóng và lên màu đẹp. Không những thế, chiếc ấm còn làm gia tăng hương vị trà nhờ thành phần khoáng vi lượng có trong bảo vật.

Chơi Tết sang, dân sành điệu Hà Nội mua ấm cổ tử sa 90 triệu đồng pha trà - 3

Chiếc ấm tử sa chuẩn là qua nhiều lần pha sẽ càng mịn, sáng bóng và lên màu đẹp

“Ấm tử sa được nhiều người mệnh danh là ấm nhớ hương bởi nó làm gia tăng hương vị trà sau mỗi lần pha. Do ấm được nung ở nhiệt độ cao, không tráng men nên khi pha trà, các chất khoáng được giải phóng sẽ làm cho hương vị trà thêm đậm đà. Qua thời gian, lớp khoáng tích tụ lại sẽ đóng góp thêm các chất như canxi, sắt, kẽm.. khiến nước trà thơm ngon” – anh Đăng cho biết.

Chơi Tết sang, dân sành điệu Hà Nội mua ấm cổ tử sa 90 triệu đồng pha trà - 4

Bộ sưu tập ấm tử sa của chàng trai gốc Hà Nội đa dạng từ kích cỡ, hình dạng, màu sắc cho đến giá thành

Ngoài công năng nổi bật, độ tinh xảo trong chế tác ấm là luôn là điểm khiến giới sành chơi phấn khích. Chiếc ấm tốt là khi rót nước nghiêng 90 độ, nắp ấm không rơi, nước từ vòi chảy thẳng, tròn và không rớt ra ngoài. Việc vệ sinh ấm khá đơn giản, chỉ cần tráng qua nước sôi là ấm có thể tự sạch.

“So với các đồ vật khác, ấm tử sa cũ luôn được nhiều người ưa chuộng bởi nó đã được chứng minh qua các lần pha. Đôi khi, tiền trà dưỡng ấm còn đắt ngang tiền ấm, bởi ấm xịn thì phải có trà ngon, càng pha nhiều thì ấm càng lên hương, lên vị. Nhiều người ngỏ ý muốn sở hữu lại báu vật nhưng tôi không gật đầu mà giữ lại để chơi vì đôi khi mua bán cũng là một thứ hữu duyên” – anh Đăng tâm sự.

Chơi Tết sang, dân sành điệu Hà Nội mua ấm cổ tử sa 90 triệu đồng pha trà - 5

Để phân biệt đồ thật giả, dưới đáy mỗi ấm tử sa đều có khắc tên nghệ nhân sản xuất

Để thỏa mãn thú chơi, tháng nào anh Đăng cũng đi Trung Quốc một lần để kiếm tìm những chiếc ấm độc đáo. Nhờ thế, bộ sưu tập bảo vật của anh ngày càng dày lên và phong phú. Các loại ấm tử sa đủ các kích cỡ, hình dạng, màu sắc cho đến giá thành tạo ra một góc riêng, chất riêng cho chàng trai gốc Hà Nội.

Bài và ảnh: An Chi