Cho vay gói 30.000 tỷ đồng: Nếu không điều chỉnh sẽ thất bại
Với quá nhiều cản ngại và vướng mắc, nếu không có sự điều chỉnh nghiêm túc, gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất để giải quyết các khó khăn về kinh tế theo Nghị quyết 02 của Chính phủ sẽ thất bại.
“Chết khát trên sông”
Theo thông tin được đưa ra từ buổi làm việc, đến nay cả nước mới chỉ giải ngân đươc 90 tỷ đồng trong gói 30.000 tỷ đồng. Riêng đối với TPHCM mới chỉ giải ngân được 22 tỷ đồng. Theo đánh giá chung tốc độ giải ngân của gói 30.000 tỷ là quá chậm.
Nguyên nhân của việc chậm chạp này được cho là do có nhiều vấn đề quá mới, chưa có tiền lệ. Trong đó, việc thực hiện cơ chế ưu đãi, liên quan đến nhiều đối tượng cần chủ trương. Gói 30.000 tỷ đồng là gói trung, dài hạn nên cần có thời gian mới đánh giá được.
Ngoài ra, còn có một số vướng mắc khác. Về khách quan, ở tầm vĩ mô, thị trường bất động sản đóng băng nhưng kinh tế còn khó khăn, cầu về nhà người dân chưa nhiều. Về Kỹ thuật, việc công chứng mua bán tài sản hình thành trong tương lai đang bị tắc. Theo Luật Nhà ở, chỉ cho phép mua bán nhà có giấy tờ, trong khi, khi ký kết hợp đồng mua bán nhà hình thành trong tương lai, tài sản chưa có nên không thể có giấy tờ.
Một nguyên nhân khác đó là với mức vay 500 -600 triệu đồng để mua nhà, ngươi vay phải có mức thu nhập và trả nợ 5-6 triệu đồng/tháng như vậy là quá cao so với đối tượng là người thu nhập thấp.
Dưới góc độ là một trong những ngân hàng tham gia cho vay gói 30.000 tỷ, đại diện Vietcombank cho biết, hiện tại đã giải ngân cho 24 khách hàng với số tiền 10,8 tỷ đồng. Bình quân mỗi tháng chỉ có 15 hồ sơ liên quan đến việc vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng.
Giải thích về kết quả khiêm tốn này, theo đại diện Vietcombank chi nhánh TPHCM là do có nhiều vướng mắc. Thứ nhất, dự án đạt chuẩn để cho vay gói 30.000 tỷ chưa nhiều. Khách hàng vay còn vướng do địạ phương xác nhận hồ sơ vay vốn theo quy định của Bộ Xây dựng không chi tiết.
Trong đó nổi nên một số vương mắc cụ thể như chính quyền địa phương không xác nhận chưa có nhà ở, nhà ở chưa đến 8m2/người mà chỉ xác nhận chung chung như “chưa có nhà tại địa phương” nên không đủ điều kiện vì chưa nhà ở địa phương này nhưng địa phương khác có thì sao.
Một nguyên nhân khác khiến cho ngân hàng ngại cho vay vì không đăng ký giao dịch bảo đảm được nên nếu cho vay thì ngân hàng phải gánh rủi ro
Không điều chỉnh, gói 30.000 tỷ đồng sẽ thất bại
Đại diện NHNN chi nhánh TPHCM cho biết nguồn vốn 30.000 tỷ đồng, NHNN giao cho 5 NHTM thực hiện. Trong 30.000 tỷ, có 21.000 tỷ cho vay cá nhân. NH hoặc địa phương nào làm tốt thì người dân tại đó được hưởng. Đến nay trên địa bàn TPHCM mới chỉ có 137 khách hàng tham gia gói 30.000 tỷ, chủ yếu cá nhân.
Giải trình về các vướng mắc, cản ngại người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn theo đại diện NHNN chi nhánh TPHCM thì quan điềm của NHNN là cho phép thế chấp căn hộ hình thành trong tương lai nhưng các phòng công chứng không thực hiện vì theo Luật Nhà ở chỉ công chứng đối với nhà có giấy chứng nhận.
NHNN kiến nghị hoàn thiện pháp lý, nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn công chứng này để NH có điều kiện nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Những vướng mắc liên quan đến gói 30.000 tỷ đồng không chỉ về pháp lý và kỹ thuật mà còn có vương mắc về thu nhập. Theo đại diện Liên đoàn lao động TPHCM, cán bộ công nhân viên hiện nay không mơ gì đến gói 30.000 tỷ vì không trả nổi.
Thu nhập 9 triệu, trả 6 triệu làm sao sống? Công nhân chỉ thu nhập 3 triệu/tháng càng xa vời. Phương án cho vay kéo dài trong 20 - 30 năm mới còn hy vọng, nếu không những đối thu nhập thấp tiếp cận đươc nguồn vốn này là không tưởng.
Theo đại diện Sở Xây dựng TPHCM nếu kéo dài thời gian cho vay lên mức 20 năm thì người dân chỉ cần trả nợ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng là khả thi. Còn nếu kéo dài thời gian cho vay lên 30 năm thì số tiền trả nợ hàng tháng là khoảng 2 triệu đồng.
Đại diện Sở Xây dựng kiến nghị: “Tùy nhóm đối tượng mà quy định thời gian cho vay 20 hoặc 30 năm”. Trước đó, NHNN chi nhánh TPHCM cũng có kiến nghị kéo dài thời gian cho vay gói 30.000 tỷ đồng lên 20 - 30 thay vì 10 năm như hiện nay.
Vướng mắc tiếp cận nguồn vốn 30.000 tỷ đồng không chỉ có các cá nhân mà các doanh nghiệp cũng vướng. Theo đại diện ngân hàng BIDV, nhiều doanh nghiệp hăm hở “lao” vào gói 30.000 tỷ nhưng đụng điều kiện là phải có đất sạch và giấy phép xây dựng. Đến nay, các DN có đất, có giấy phép xây dựng nên chuyển đổi giấy phép xây dựng, công năng rất khó. Trong 9 doanh nghiệp đề xuất vay vốn nhưng đến nay chỉ mới 1 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện này…
Theo Ngọc Huân
Lao động