Chợ trong Trung tâm thương mại chết yểu
Hàng trăm gian hàng trong Trung tâm thương mại - Chợ Hàng Da (Hà Nội) đã xin nghỉ kinh doanh vì quá vắng khách. Quầy hàng thực phẩm, rau xanh trong chợ Cửa Nam hoành tráng cũng không mấy người qua lại...
Đua nhau tạm nghỉ kinh doanh
Bảy giờ sáng, chúng tôi có mặt tại tầng hầm nơi dành kinh doanh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ quả của Trung tâm thương mại - Chợ Hàng Da chứng kiến cảnh mua bán heo hắt tại đây.
Vào đúng giờ các bà nội trợ đi mua sắm mà nhiều chủ hàng ngồi bó gối ngáp ngắn ngáp dài, lác đác vài người khách đi lại hỏi giá.
Gần cuối giờ chiều cùng ngày, chúng tôi trở lại khu vực chợ dân sinh này và tình cảnh cũng tương tự. Hàng loạt các biển rao cho thuê lại quầy hàng dán trên tường.
Chủ quầy hàng tranh thêu Minh Hằng cho biết, chưa bao giờ buôn bán khó khăn như khi vào Trung tâm thương mại và bản thân bà chỉ xác định lấy công làm lãi chứ không hy vọng gì nhiều.
Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh tại đây cho biết, họ đang cố tìm khách cho thuê lại quầy chứ kinh doanh như hiện nay thì không lời lãi gì.
Chủ một quầy kinh doanh rau xanh dưới tầng hầm cho hay, rõ ràng là khi vào Trung tâm thương mại thì giá phải cao hơn do cõng thêm chi phí điện, nước, vệ sinh, thuê quầy, bảo vệ...
Tại khu vực chợ rau xanh của Trung tâm thương mại Cửa Nam, tình trạng còn thê thảm hơn. Hơn nửa giờ chúng tôi có mặt tại đây chỉ thấy một vị khách nước ngoài vào xem hàng.
Chết yểu vì đâu?
Trái ngược với cảnh mua bán heo hắt trong các trung tâm thương mại, ngay cửa chợ Hàng Da, dọc các phố như Hàng Điếu, Yên Thái, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Quang Bích... có tới hàng trăm quầy hàng thực phẩm, rau quả tươi sống mà vẫn nườm nượp người mua chen chúc, ồn ã từ sáng tới chiều tối.
Ông Vũ Danh Hoà, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Thương mại Hàng Da, than rằng: chợ tạm, chợ cóc bủa vây quá nhiều quanh chợ Hàng Da khiến việc kinh doanh nhiều mặt hàng phục vụ dân sinh trong chợ như thực phẩm, rau quả bị tê liệt trong suốt cả năm qua.
Ông Phí Ngọc Đoán, Chủ tịch UBND phường Cửa Đông cho rằng, còn do thói quen mua bán của người dân chưa thay đổi, hầu hết vẫn muốn mua bán gần nhà, dừng xe là có thể mua được thực phẩm, đồ ăn.
Trong khi vào siêu thị thì phải gửi xe, mất tiền và thời gian. “Ngay như gia đình tôi cũng không mấy khi mua thực phẩm trong siêu thị. Nếu vào siêu thị, người dân sẽ chọn những siêu thị uy tín lớn như Big C, Metro” - ông Đoán nói.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Yến, Trưởng phòng Kinh tế, UBND quận Hoàn Kiếm, sau thời gian đi vào hoạt động, mô hình chợ nằm trong Trung tâm thương mại đã bộc lộ những bất hợp lý, kinh doanh khó khăn.
Riêng chợ Hàng Da đã có hơn 220 hộ thuộc nhiều ngành hàng xin tạm nghỉ kinh doanh. Cũng theo bà Yến, bên cạnh ảnh hưởng của chợ tạm, hàng rong, còn có nguyên nhân từ việc tổ chức mô hình chợ trong Trung tâm thương mại cũng có điểm chưa thực sự phù hợp.
Khi đầu tư xây dựng lại chợ dân sinh thành Trung tâm thương mại, các hộ dân đều mong muốn được kinh doanh tiếp tại chợ mới. Thực ra, nếu các hộ bán lại quyền cho một chủ đầu tư kinh doanh thì hiệu quả hơn...
Nhiều chuyên gia của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn kiến nghị, với thực tế hiện nay của Hà Nội cần phát triển song hành cả mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại và chợ dân sinh.
Việc duy trì mạng lưới chợ dân sinh vừa mang giá trị rất lớn về kinh tế và cả văn hoá xã hội.
Trong Hội thảo mới đây do Viện Quy hoạch Đô thị-Nông Thôn tổ chức, KTS Stephanie Geertman, chuyên gia tư vấn Chương trình thành phố sống tốt của tổ chức HealthBridge cho rằng, chợ dân sinh ở mỗi vùng đều có sắc thái riêng, mang đậm nét văn hoá như chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, chợ trên sông nước ở miền Tây, chợ Tây Nguyên, chợ vùng cao Tây Bắc và sẽ là sai lầm nếu Việt Nam để mất dần các chợ truyền thống.
KTS Nguyễn Tuấn Minh, Trưởng phòng nghiên cứu lý luận phê bình kiến trúc, Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn, ngay cả tại Pháp và nhiều nước châu Âu, chợ dân sinh đến nay vẫn tồn tại. Hà Nội cần quy hoạch và sắp xếp hợp lý hơn hệ thống các chợ.
Theo Minh Tuấn
Tiền Phong