Chợ “thần chết” Kim Biên: Chưa hề gì so với chuyện khác

Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM nói so với những vấn nạn khác đang diễn ra ở thành phố, chợ “tử thần” Kim Biên “chưa hề gì”.

Phó GĐ Sở Công thương TP.HCM Tôn Quang Trí trả lời phỏng vấn báo VTC News xung quanh việc mua bán hóa chất dễ dàng, tràn lan  tại khu vực chợ ‘thần chết’ Kim Biên.

 

Theo ông Trí, hàng năm, Sở Công thương TP.HCM (phòng thanh tra) đều có kế hoạch phối hợp cùng với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra, khảo sát việc mua bán hóa chất tại khu vực chợ Kim Biên – phường 13, Q.5.

 

Qua kiểm tra hầu hết các cửa hàng đều phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hóa chất.

 

Việc mua bán hóa chất tràn lan, lỏng lẻo đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở khu vực chợ Kim Biên là nghiêm trọng hay không?

 

Tôi cho rằng so với một số vấn nạn khác của TP.HCM thì nó chưa hề gì. Ví dụ như tai nạn giao thông chẳng hạn.

 

Việc quản lý các chợ phải tuân theo rất nhiều các quy định khắt khe, và cả luật Thương mại Việt Nam nữa. Mà theo luật thì chưa có quy định nào yêu cầu người mua hóa chất phải chứng minh mục đích sử dụng cả.

 

Nói như vậy thì để cho việc kinh doanh hóa chất tràn làn là trách nhiệm của người dân?

 

Đúng, vấn đề thuộc phạm trù đạo đức của người mua và người bán. Nếu chúng ta không có đạo đức, lương tâm trong kinh doanh thì tôi khẳng định chẳng có pháp luật nào quy định, kiểm soát nổi.

 

Trong thời gian vừa qua, việc mua bán hóa chất tràn lan ở chợ Kim Biên đúng là gây bức xúc cho dư luận, nhưng thực tế đây không phải là yếu tố chính sinh ra tội phạm.

 

Phó GĐ Sở Công thương TP.HCM Tôn Quang Trí (ngồi giữa) tại một cuộc họp (ảnh: internet).
Phó GĐ Sở Công thương TP.HCM Tôn Quang Trí (ngồi giữa) tại một cuộc họp (ảnh: internet).

 

Vậy nhưng một đại biểu HĐND TP.HCM đã quy trách nhiệm quản lý chợ Kim Biên là Sở Công thương, ông nghĩ sao?

 

Về nguyên tắc, cấp thành phố chỉ quản lý duy nhất 4 chợ đầu mối là Tam Bình, Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Những chợ còn lại là do quận, huyện quản lý. Tuy nhiên, ai quản lý thì cũng phải tuân theo những quy định, pháp lệnh do pháp luật quy định.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi thoái thác trách nhiệm. Trách nhiệm chung là của Nhà nước, chứ quy định riêng cho một Sở, ban ngành nào chúng tôi nghĩ cũng chẳng chính xác.

 

Công việc của ngành quản lý thị trường là đi kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc rồi xử phạt. Nhiệm vụ này chúng tôi vẫn làm rất thường xuyên, nhưng với chợ Kim Biên thì chưa phát hiện được nhiều khi đi kiểm tra.

 

Chợ hóa chất Kim Biên phải đến năm 2015 mới được di dời ra ngoại thành. Chẳng lẽ từ nay tới đó, người dân phải luôn sống với những nguy hiểm luôn rình rập, mà chúng ta không có một giải pháp nào hữu hiệu, khả thi?

 

Kế hoạch là như vậy, chứ tới giờ vẫn chưa nghe động tĩnh gì cả. Về giải pháp khả thi, không phải là không có.

 

Từ thực tế, mà nhất là sau khi VTC News đăng loạt bài về chợ Kim Biên, hiện Sở Công thương TP.HCM đang nghiên cứu, đề xuất lên UBND TP ra thêm một quy định đối với người mua hóa chất.

 

Vì dụ, người bán hóa chất phải ghi lại các thông tin của người mua hàng, như mua để làm gì, nhà cửa ở đâu, có giấy tờ gì để chứng minh…? Chúng ta nói thì nghe dễ, nhưng thực tế thi hành thì rất khó kiểm soát được vì vướng rất nhiều thứ.

 

Trước khi trình chính thức lên lãnh đạo TP, chúng tôi phải tham khảo thêm ý kiến nhiều Sở, ban ngành có liên quan.

 

Xin cảm ơn ông!

 

 Cho tới nay, dù đã rất cố gắng liên hệ với những cơ quan có liên quan để làm rõ việc buông lỏng quản lý kinh doanh hóa chất tại khu vực chợ Kim Biên, nhưng chỉ mới có UBND phường 13 – Q.5 và Sở Công thương TP.HCM lên tiếng chịu trách nhiệm, đề xuất những giải pháp để siết chặt việc quản lý kinh doanh hóa chất tại đây.

 

Còn đại diện Sở Y tế TP.HCM, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định: cơ quan quản lý Y tế chỉ phụ trách phần hóa thực phẩm tại chợ Kim Biên, các phần còn lại thuộc trách nhiệm của địa phương và Sở Công thương TP.

 

Còn đối với lãnh đạo UBND Q.5, TP.HCM, sau 3 lần liên hệ trình giấy giới thiệu, thẻ nhà báo để đề nghị liên hệ gặp lãnh đạo UBND quận, nhưng PV VTC News chỉ nhận được những lời hứa hẹn không có thời gian chính xác từ phía nhân viên văn phòng tiếp dân.

 

Với lí do khi thì lãnh đạo quận họp chi bộ, lúc thì bận tiếp khách, lúc thì đi họp bên ngoài….các nhân viên tiếp dân của quận 5 đề nghị chúng tôi để lại số điện thoại để trình Phó Chủ tịch UBND Q.5 phụ trách kinh tế Phạm Quốc Huy. Sau đó, PV được hứa là đích thân vị Phó Chủ tịch này sẽ gọi cho chúng tôi vì cần thêm thời gian để chuẩn bị.

 

Tuy nhiên, đã 1 tuần trôi qua kể từ ngày chúng tôi đến Q.5 cho đến khi chúng tôi thực hiện bài viết này, đề nghị được làm việc, tiếp xúc với lãnh đạo UBND Q.5 về vấn đề nhức nhối chợ ‘thần chết’ Kim Biên vẫn chưa thấy động tĩnh.

 
Theo Việt Dũng

VTCNews