Khánh Hòa:

Cho rằng thương lái ép giá, dân “găm” hàng trăm tấn bí đỏ trên rẫy

(Dân trí) - Cho rằng thương lái ép giá, người dân trồng bí đỏ ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã “găm” hàng trăm tấn bí đỏ ở trên rẫy, hi vọng chờ giá lên để vớt vát vốn, có tiền ăn Tết. Thế nhưng, “canh bạc” này có vẻ đang bất lợi cho người dân khi thời tiết mưa gió liên tục.

Người dân xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bán bí đỏ cho thương lái những ngày gần đây
Người dân xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bán bí đỏ cho thương lái những ngày gần đây

Mấy ngày qua, người dân xã Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không hiểu vì sao giá bí đỏ bất ngờ “lao dốc” đột ngột. Họ cho biết, cách đây khoảng 1 tháng, khi người dân mới thu hoạch thì giá bí đỏ đạt mức 7.000-8.000 đồng/kg khiến ai cũng phấn khởi, nghĩ rằng lãi to. Nhưng được vài hôm thì giá bất ngờ giảm sốc, chỉ còn 3.700 - 4.000 đồng/kg.

Ông Huỳnh Cường (56 tuổi, thôn 3, xã Ninh Sơn), cho biết, mùa bí đỏ năm nay mất mùa nặng. Theo ông Cường, do năm nay mưa nhiều khiến bí bị sâu bệnh, bị thủng vỏ hàng loạt nên chỉ đạt 3-4 tấn/ha thay vì 5-6 tấn/ha như mọi năm. Điều này khiến đa phần người dân thất thu trầm trọng vì đây là vụ bí Tết duy nhất trong năm, được trồng từ tháng 6 Dương lịch.

Theo quan sát của PV Dân trí, đống bí hàng tấn của ông Cường chất đống ở một ven đường liên xã. Ông Cường đang cố cò kè với thương lái suốt buổi trưa để có thể bán với mức giá cao hơn 3.700 đồng/kg. Tuy nhiên, việc thương lượng bất thành, ông đành bán với mức giá nói trên. “Năm nay tôi trồng 9 ha bí nhưng mới thu hoạch 6 ha, đạt hơn 20 tấn. Với mức giá 3.700 đồng/kg thì mùa bí năm nay, tôi lỗ hàng chục triệu đồng”, ông Cường nói như mếu.

Theo người dân, bí năm nay mất mùa, giá cả lao dốc vào giữa mùa khiến họ gặp khó khăn
Theo người dân, bí năm nay mất mùa, giá cả lao dốc vào giữa mùa khiến họ gặp khó khăn

Cho rằng thương lái ép giá, dân “găm” hàng trăm tấn bí đỏ trên rẫy

Tương tự, anh Hoàng Công Thuận (35 tuổi), một người dân ở gần đó, cũng đang mới thu hoạch vựa bí 3,5 ha của mình. Cũng như các hộ dân khác, bí của anh Thuận cũng mất mùa và ngậm ngùi bán với giá 3.600 - 3.700 đồng/kg.

“Người dân ở xã này năm nào cũng có người đổ nợ vì bí nhưng không trồng bí thì chẳng biết làm gì. Giá bí xuống thấp khiến người dân khốn đốn”, anh Thuận than.

Theo người dân, thời điểm này đang vào giữa mùa nhưng giá cả giảm một nửa so với đầu mùa nên các hộ dân không hứng thú thu hoạch bí. Họ cho biết, vì đây là mùa vụ nông sản lớn nhất năm nên “án binh” chờ cho giá lên mới thu hoạch, hi vọng kiếm chút lãi ăn Tết Nguyên đán.

Ông Võ Trộm (45 tuổi, thôn 3, xã Ninh Sơn), cho biết, hiện bà con mới thu hoạch khoảng 40%, còn 60% chưa thu hoạch. “Rất nhiều người đang chờ giá lên mới hái chứ chưa vội hái bây giờ. Tôi trồng 3 ha bí nhưng với giá này thì chưa dám hái vì hái xuống bán lỗ, nợ đòi không có trả”, ông Trộm lo lắng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đào Trung Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, cho biết, mùa bí đỏ năm nay mất mùa, sản lượng giảm một nửa so với năm ngoái khiến người dân kém vui. Theo ông Hải, năm nay trên địa bàn xã Ninh Sơn có 200 ha bí đỏ, giảm 50 ha so với năm ngoái.

Người dân cho biết, họ chưa thu hoạch hàng trăm tấn bí trên rẫy để chờ giá lên trong khi thời tiết có mưa liên tục
Người dân cho biết, họ chưa thu hoạch hàng trăm tấn bí trên rẫy để chờ giá lên trong khi thời tiết có mưa liên tục

Nói về việc người dân cho rằng thương lái ép giá, ông Hải cho hay: “Đầu vụ người ta cần thu mua tập trung và khi nào bí cũng hút hơn, còn bây giờ thì đại trà rồi. Do cung vượt cầu nên có thể khiến giá giảm”. Trong khi đó, các thương lái thu mua bí ở thị xã Ninh Hòa cho hay, hiện tại bí tại các chợ ở TP HCM, Lâm Đồng, miền Tây Nam Bộ… đang ế nên giá giảm. Họ cho rằng, chỉ “thuận mua vừa bán”, theo thị trường, chứ không hề có chuyện ép giá.

Theo UBND xã Ninh Sơn, như năm ngoái, càng về cuối vụ thì giá càng giảm nên người dân cần cân nhắc. Hiện đang còn hàng trăm tấn bí người dân chưa thu hoạch, với hi vọng chờ giá lên.

Tuy nhiên, có vẻ “canh bạc” này đang bất lợi cho người dân khi Khánh Hòa được dự báo có đợt mưa kéo dài đến đầu tháng 12. Điều này khiến bí đứng trước nguy cơ hư hỏng hàng loạt. Được biết, người dân một số xã khác như Ninh Thân, Ninh Thượng… cũng gặp cảnh tương tự.

Viết Hảo