1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chợ Ninh Hiệp: Tiểu thương "than", mở mắt là lỗ 4 triệu đồng vì dịch corona

(Dân trí) - Từ nơi xa đến chợ Ninh Hiệp làm ăn, không ít tiểu thương đã bỏ ra số tiền lớn để thuê ki-ốt buôn bán, song do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều chủ hàng lỗ tiền triệu mỗi ngày.

Chợ Ninh Hiệp: Tiểu thương "than", mở mắt là lỗ 4 triệu đồng vì dịch corona

Chợ Ninh Hiệp nổi tiếng là đầu mối tập trung các loại hàng may mặc, quần áo. Nhưng thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nguồn cung hàng hoá bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo anh H. - một tiểu thương tại chợ S.L. (Ninh Hiệp, Hà Nội), mọi năm, khoảng thời gian này đang là đầu vụ hè và kéo dài đến hết tháng 4. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hàng hoá không thể về.

Chợ Ninh Hiệp: Tiểu thương than, mở mắt là lỗ 4 triệu đồng vì dịch corona - 1

Đóng cửa vì hết hàng

“Dù đã tích trữ hàng từ trước Tết, nhưng tôi chỉ duy trì được khoảng 20 ngày. Do tính chất hàng thời trang may mặc mẫu mã thay đổi liên tục, nên ở chợ cũng không ai dám nhập nhiều”, anh H nói.

Sau kì nghỉ Tết khoảng nửa tháng, anh H và nhiều tiểu thương khác đã bán hết số hàng trong kho. Anh đành mang ra hàng tồn từ 2 năm trước ra bày tại quầy cho đỡ trống trải.

Song, theo tiểu thương này, dân buôn thường xuyên đi lấy hàng. Cứ 2 - 3 ngày lại xuất hiện ở chợ một lần, nên thấy mẫu cũ họ sẽ không mua. 

Chợ Ninh Hiệp: Tiểu thương than, mở mắt là lỗ 4 triệu đồng vì dịch corona - 2

Hàng mới không có, hàng cũ lại khó bán nên lâu dần, chợ thưa thớt người qua lại. Nhiều cửa hàng cũng chỉ treo hàng mẫu lên rồi cả chủ và 4 - 5 người thợ cùng ngồi chơi. 

Một số quầy hàng quần áo đã phải đóng cửa, nhưng không ít hàng do phải chịu chi phí quá cao nên vẫn cố lay lắt.

Theo anh M, chủ một hàng quần áo nam tại chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), chi phí hoạt động một ngày tại chợ này không hề nhỏ. Riêng quầy của anh chỉ vỏn vẹn 4m2, nhưng lại nằm ngay trục chính của khu chợ quần áo nam.

Chợ Ninh Hiệp: Tiểu thương than, mở mắt là lỗ 4 triệu đồng vì dịch corona - 3

Hết hàng là tình trạng chung tại chợ

“Chợ này có phí thuê cao nhất nhì tại đây. Nếu cộng với chi phí thuê 4 lao động, mỗi ngày tôi lỗ 4 triệu đồng”, anh M nói và thông tin thêm, hiện tại, mỗi lao động nhận được 7 triệu đồng/tháng, nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ cắt giảm một nửa.

Cùng tình trạng với anh M, chị N.M.H. cũng đang chịu lỗi thời điểm này, bởi mặt bằng chị H tại chợ Ninh Hiệp phải đóng theo năm. Tính trung bình mỗi tháng, ki-ốt 8m2 của chị H phải đóng 60 triệu đồng tiền thuê. Mỗi ngày, chị H mất 2 triệu đồng tiền mặt bằng.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là trục phụ, nếu thuê ki-ốt cùng diện tích ở trục chính, gần cổng chợ thì còn phải chịu lỗ gấp 3 lần. Bởi giá thuê 1 năm ở đây phải tính bằng tiền tỷ, cao hơn nhiều lần so với phố cổ

Chợ Ninh Hiệp: Tiểu thương than, mở mắt là lỗ 4 triệu đồng vì dịch corona - 4

Giá thuê mặt bằng kinh doanh hiện rất cao

Tình trạng này đang xảy ra chung với gần như toàn bộ tiểu thương tại khu vực này. Nhiều người đã tìm kiếm nguồn hàng khác như Việt Nam, Thái Lan để bù đắp sự thiếu hụt.

Thế nhưng, theo anh V.M.K tiểu thương chợ Ninh Hiệp, hàng Việt Nam lại bị phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc, nên tình trạng khan hàng cũng tương tự. 

“Tôi phải cho người sang Thái để tìm nguồn hàng về bán tạm trong thời gian này. Thế nhưng, do người này đã từng sang Trung Quốc cuối năm ngoái, nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn tại sân bay”, anh K cho biết thêm.

Ngoài ảnh hưởng của dịch, việc kinh doanh tại đây cũng đã khó hơn từ năm trước. Dân buôn tại chợ cho biết, năm ngoái đã ghi nhận sự sụt giảm rõ rệt. 

“Người dân thay vì tới đây mua, có thể tự tìm hiểu nguồn hàng qua mạng và tự đi nhập, hoặc mua qua các trang thương mại điện tử. Qua các kênh này, giá hàng sẽ rẻ hơn mà chi phí không mất nhiều”, tiểu thương này cho hay.

Chợ Ninh Hiệp: Tiểu thương than, mở mắt là lỗ 4 triệu đồng vì dịch corona - 5

Chợ truyền thống đang dần bị thương mại điện tử chiếm ưu thế

Ưu điểm của các chợ truyền thống này là có thể tới tận nơi để xem chất lượng hàng hoá. Tuy nhiên trong tương lai, khi thương mại điện tử phát triển thì việc bán hàng qua kênh truyền thống sẽ còn giảm mạnh. Người dân sẽ không còn phải bỏ ra tiền tỷ để thuê mặt bằng.

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm