Chịu thiệt 144 tỷ đồng, SaigonTel "tháo chạy" khỏi Western Bank

(Dân trí) - Sau Kinh Bắc, đến lượt SaigonTel mạnh tay bán toàn bộ cổ phần Western Bank đang nắm giữ. Tuy nhiên, cả hai doanh nghiệp này vẫn đang là "Chúa chổm" của ngân hàng với khoản nợ dài hạn trị giá hàng nghìn tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel - SGT) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III và 9 tháng đầu năm 2012.

Chuyển nhượng cổ phần Western Bank cho 2 cá nhân

Theo BCTC của SGT, tại thời điểm 30/9/2012, tại hạng mục đầu tư cổ phiếu (dài hạn) của công ty đã không còn ghi nhận 18,81 triệu đơn vị cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank).

Như vậy, trong 9 tháng, công ty đã thoái toàn bộ số vốn này khỏi ngân hàng, được định giá 302,1 tỷ đồng.

Cụ thể, trong kỳ, SGT đã chuyển nhượng 13,35 triệu cổ phần Western Bank cho ông Nguyễn Bảo Tâm và 5,46 triệu cổ phần ngân hàng này cho bà Hoàng Thị Hồng Tứ theo Hợp đồng chuyển nhượng ký ngày 10/8/2012.

Western Bank hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Như vậy, giá trị số cổ phần mà SGT đã chuyển nhượng cho 2 cá nhân nêu trên chiếm 10,07% vốn điều lệ Western Bank.

Tuy nhiên, thuyết minh về khoản này, SGT cho biết, giá chuyển nhượng bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cp. Tính ra, nếu với mức mệnh giá thì tổng giá trị lô cổ phần chỉ đạt 188,1 tỷ đồng, chiếm 6,27% vốn điều lệ Western Bank. Trong thương vụ này, SGT bị "hụt" mất 114 tỷ đồng.

Hiện tại, chưa rõ về thông tin về của hai cá nhân nhận chuyển nhượng "khủng" cổ phiếu Western Bank từ công ty.

Trong khi đó, công ty đã bổ sung vào khoản đầu tư dài hạn 15 tỷ đồng đối với công ty cổ phần Đầu tư Quỹ Bản Việt.

Các khoản đầu tư dài hạn vào Western Bank và CTCP Quỹ Bản Việt đều không được được công ty trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn. Do Western Bank là cổ đông chiến lược hạn chế chuyển nhượng còn tại Quỹ Bản Việt, công ty chỉ trích lập dự phòng khi các khoản đầu tư bị giảm sút giá trị không phải tạm thời và ngoài kế hoạch do kết quả Quỹ bị lỗ.

Định giá số cổ phần của Western Bank mà SGT nắm giữ tại thời điểm đầu năm là 302,1 tỷ đồng.

Định giá số cổ phần của Western Bank mà SGT nắm giữ tại thời điểm đầu năm là 302,1 tỷ đồng.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, một công ty khác của ông Đặng Thành Tâm là CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) cũng đã công bố việc thoái toàn bộ 26,55 triệu cổ phiếu Western Bank, tương ứng trị giá 265,5 tỷ đồng - chiếm 9% vốn điều lệ ngân hàng.

Sau thoái vốn, KBC còn nợ ngân hàng tổng cộng 1.820 tỷ đồng cả trái phiếu.

Nặng nợ ngân hàng

Nặng nợ ngân hàng

Tương tự KBC, mặc dù đã thoái mạnh vốn khỏi Western Bank song mối quan hệ vay nợ của SGT với ngân hàng vẫn còn rất khăng khít. Theo thuyết minh tại BCTC hợp nhất quý III của SGT, đến 30/9, dư nợ dài hạn đến hạn trả của ngân hàng đối với Western Bank còn 6,18 tỷ đồng, bằng 75% so đầu năm.

Ngân hàng cũng còn nợ NHTMCP Nam Việt (Navibank) 6,25 tỷ đồng và NH Công thương Quế Võ 14,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, các khoản nợ ngân hàng dài hạn của công ty tại thời điểm 30/9/2012 hầu như không thay đổi so với đầu năm.

Cụ thể, công ty còn 2 hợp đồng vay với Western Bank chưa thanh toán, tổng dư nợ vẫn còn 135,556 tỷ đồng.

Trong đó, một hợp đồng ký ngày 29/3/2009 trong hạn mức tín dụng 35 tỷ đồng với lãi suất vay bằng lãi suất huy đồng tiền gửi tiết kiệm 12 tháng loại lãnh cuối kỳ + 0,4%/tháng.

Mục đích khoản vay nhằm đến bù, san lấp Khu công nghiệp Đại Đồng - Hoàn Sơn giai đoạn 1, tỉnh Bắc Ninh. Thời gian khoản vay 60 tháng. Như vậy, thời gian đáo hạn khoản vay còn hơn 1 năm. Khoan vay được bảo đảm bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay.

Hợp đồng thứ hai ký ngày 31/5/2011 trong hạn mức tín dụng 150 tỷ đồng với lãi suất vay 22%/năm cho năm đầu tiên. Sau đó lãi suất được điều chỉnh 1 tháng/lần bằng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm 12 tháng loại lãnh cối kỳ ở bậc thang cao nhất cộng biên độ tối thiểu do ngân hàng công bố tại thời điểm đó.

Khoản vay vẫn với mục đích thanh toán đền bù, giải tỏa mặt bằng dự án KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn giai đoạn 2. Thời gian khoản vay trong 60 tháng, đảm bảo bằng 4,5 triệu cổ phiếu SQC của Khoáng sản Sài Gòn Quy Nhơn.

Ngoài ra, công ty còn phát hành trái phiếu không đảm bảo bằng tài sản nhằm mục đích huy động vốn tài trợ dự án Cụm công nghiệp Nam Sông Hồng cho Western Bank với tổng số lượng trái phiếu phát hành 300.000 trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/cp, thời hạn 5 năm, lãi 12,5%/năm (lãi thanh toán định kỳ hàng năm; bắt đầu sau 1 năm kể từ ngày phát hành trái phiếu). Do Thuyết minh của SGT không nêu thời điểm thực hiện khoản vay, nên nếu tính đơn thuần trên mệnh giá (chưa bao gồm lãi hàng năm) thì khoản vay của SGT với Western Bank thông qua phát hành trái phiếu không đảm bảo là 300 tỷ đồng.

Như vậy, phần vay nợ dài hạn của công ty với ngân hàng là 435,556 tỷ đồng, chiếm 76,54% tổng nợ dài hạn của công ty tại thời điểm cuối tháng 9.

Các khoản nợ dài hạn của SGT tại các ngân hàng (đơn vị: tỷ đồng) - Nguồn: SGT/Dân trí.

Các khoản nợ dài hạn của SGT tại các ngân hàng (đơn vị: tỷ đồng) - Nguồn: SGT/Dân trí.

Bên cạnh Western Bank, SGT còn có dư nợ tại 2 ngân hàng khác là Navibank và NH Công thương Quế Võ.

Nợ của công ty tại Navibank còn 98,5 tỷ đồng với 3 hợp đồng vay. Trong đó, đáng chú ý có hai hợp đồng, một ký vào ngày 14/6/2011 với số tiền vay 50 tỷ đồng lãi suất hiện nay là 19,7%/năm áp dụng từ 17/6/2012. Hợp đồng này nhằm thực hiện đền bù, giải tỏa mặt bằng dự án KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn giai đoạn II, thời hạn 7 năm. Khoản vay này được đảm bảo bằng 1,2 triệu cổ phiếu SQC của Khoáng Sản Sài Gòn Quy Nhơn.

Hợp đồng tiếp theo trị giá 41,5 tỷ đồng, ký ngày 1/12/2011 lãi suất hiện nay là 18,7%/năm áp dụng từ 1/9/2012. Mục đích vay nhằm đầu tư dự án KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn giai đoạn 2, thời gian vay 84 tháng. Khoản vay được đảm bảo bằng hơn 11,65 triệu cổ phiếu Western Bank của CTCP Đầu tư Sài  Gòn Bắc Giang.

Khoản vay của SGT tại NH Công Thương Quế Võ ký ngày 18/8/2009 trong hạn mức tín dụng 80 tỷ đồng cũng được sử dụng để đầu tư xây dựng 50.000 m2 nhà xưởng tại KCN Đại Đồng, Hoàn Sơn. Lãi suất bằng tổng lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng, trả lãi cuối kỳ và biên độ 3,5%. Phương thức cho vay theo dự án đầu tư, thời hạn rút tiền vay theo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, được đảm bảo bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay.

Có thể thấy, hầu như các khoản vay được nhắc tới ở trên đều nhằm để công ty đầu tư cho dự án KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn. Dự án này đã "ngốn" 356,5 tỷ đồng tiền vay gốc của SGT tại 3 ngân hàng Western Bank, Navibank và Công Thương Quế Võ.

Tại hạng mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang ghi nhận, ở thời điểm 30/9/2012, số dư đầu tư dự án KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn là 284,68 tỷ đồng, tăng 20,4 tỷ đồng so đầu kỳ. Số dư giai đoạn 2 của dự án này 360,33 triệu đồng, giảm mạnh so 5,95 tỷ đồng hồi đầu kỳ.

Mối quan hệ của SGT với Navibank còn thể hiện ở khoản nhận ký quỹ và ký cược dài hạn trị giá 223,73 triệu đồng, không thay đổi so đầu kỳ.

Hiện, tại SGT, KBC và Navibank đều có 1 lãnh đạo chung là ông Đặng Thành Tâm. Ông Tâm là thành viên HĐQT Navibank, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KBC và là Chủ tịch HĐQT SGT. Hiện ông Tâm đang nắm 23,69% cổ phần SGT, 34,94% cổ phần KBC và 4,98% cổ phần Navibank. Ngoài ra, ông Tâm còn sở hữu 40% cổ phần SQC.

Lỗ ròng 227,8 tỷ đồng trong 9 tháng

Theo BCTC hợp nhất, trong quý III/2012, doanh thu của công ty đạt 11,36 tỷ đồng, tăng so 9 tỷ đồng cùng kỳ 2011. Lũy kế 9 tháng, công ty có 306 tỷ đồng doanh thu, gần gấp 6 lần cùng kỳ.

Tuy nhiên, do khoản giảm trừ tới 161,2 tỷ đồng nên doanh thu thuần 9 tháng bị giảm còn 144,77 tỷ đồng.

Giá vốn hàng bán trong quý tăng mạnh từ 9,5 tỷ đồng lên 13,5 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận gộp âm 2,13 tỷ đồng.

Chốt quý, SGT lỗ ròng 176,25 tỷ đồng, thiệt hại tăng gấp hơn 7 lần so khoản lỗ 24,73 tỷ đồng cùng kỳ 2011.

Lũy kế 9 tháng công ty lỗ ròng 227,8 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9, lỗ chưa phân phối của SGT lên tới 308 tỷ đồng.

Cán cân tiền mặt của SGT tới 30/9 chỉ còn thặng dư đúng 9,58 tỷ đồng, giảm mạnh so 54,4 tỷ đồng hồi đầu năm.

Mai Chi