Chính thức điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường

(Dân trí)- Liên bộ Tài chính - Công thương cho biết: Kể từ lần điều chỉnh giảm giá dầu ngày 16/9, giá các mặt hàng xăng dầu bán lẻ chính thức được điều hành theo cơ chế thị trường.

Báo giới đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà bên lề cuộc họp giữa liên bộ với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối vào trưa ngày 16/9.

Trong cuộc họp báo lần trước, Bộ Tài chính có nói: Nếu dầu thô giảm dưới 100 USD/thùng, liên bộ sẽ cân nhắc việc giảm giá xăng, tại sao giờ giá dầu thô còn khoảng 94 USD/thùng, giá xăng lại không giảm?

Lần trước tôi đã báo cáo với các đồng chí, cơ chế của Nhà nước là điều hành theo sát giá của thị trường thế giới. Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm, Nhà nước đã hai lần điều chỉnh giá xăng và giá dầu hoả. Trong buổi họp báo lần trước tôi cũng đã thông tin tới các đồng chí, nếu giá dầu tiếp tục giảm, Nhà nước sẽ thực hiện đánh thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu hoả và thực tế đã điều chỉnh từ 0% lên 5%.

Trong thời gian vừa qua, để góp phần kiềm chế lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô, Nhà nước đã áp dụng thuế 0% với các mặt hàng xăng dầu, trong khi các nước bên cạnh chúng ta đánh thuế nhập khẩu. Điều này tạo ra sự chênh lệch lớn giữa giá xăng dầu trong nước với các nước trong khu vực.

Việc Nhà nước đưa thuế vào không chỉ tăng nguồn thu, bù đắp khoản bù lỗ, mà còn ý nghĩa quan trọng hơn là tạo ra mặt bằng giá phù hợp với khu vực, phù hợp với thông lệ quốc tế; đảm bảo góp phần chống đầu cơ, buôn lậu xăng dầu qua biên giới.

Trong 7 tháng đầu năm, kinh doanh xăng lỗ 3.000 tỉ đồng, dầu diezen lỗ 14.000 tỉ đồng. Vậy mất bao nhiêu lâu nữa để doanh nghiệp bù hết số lỗ do giá xăng dầu thế giới tăng cao trong những tháng đầu năm?

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện dự trữ về lưu thông tối thiểu trong 20 ngày và thực hiện chỉ đạo tinh thần chung có tăng mức dự trữ lưu thông lên cao hơn nữa nên lượng hàng tồn kho với mặt hàng xăng còn nhiều. Các mặt hàng tồn kho này mua theo giá của những tháng trước nên ở mức giá cao. Vì vậy, chính sách của Chính phủ là tạm ứng từ ngân sách để các doanh nghiệp bù đắp nguồn vốn đảm bảo kinh doanh. Còn trách nhiệm của các doanh nghiệp là phải có tích luỹ để hoàn trả vốn của Nhà nước.

Mặt bằng chung của mỗi một doanh nghiệp khác nhau. Doanh nghiệp lớn thì lượng nhập hàng tồn kho càng nhiều, có những doanh nghiệp mức này không lớn lắm. Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với từng tổng công ty xem lượng hàng tồn kho là bao nhiêu, mức bù bao nhiêu.

Nếu năm 2008 bù đắp được hết là điều đáng mừng, tuy nhiên, đối với doanh nghiệp có số lỗ lớn sẽ xem xét để các doanh nghiệp tính toán bù lỗ trong năm 2009.

Việc tiếp nhận đăng ký giá bán của doanh nghiệp theo quy định trước thời điểm điều chỉnh giá 3 ngày (nếu rơi vào ngày nghỉ phải mất 5 ngày), trong khi giá xăng dầu biến động hàng ngày, ông nghĩ sao về điều này?

Trước mắt thực hiện theo cơ chế như vậy. Sau này trên cơ sử thực tiễn chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương sửa lại Nghị định 55 về kinh doanh xăng dầu để việc điều chỉnh giá bán linh hoạt và nhanh chóng hơn nữa.

Kể từ ngày 16/9, giá xăng dầu chính thức điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Trong trường hợp, giá xăng dầu thế giới giảm, nhưng các doanh nghiệp không chịu đăng ký giảm giá bán thì tổ giám sát sẽ có biện pháp gì, thưa ông?

Việc kinh doanh xăng dầu thực hiện theo Nghị định 55 và Nghị định 75 của Chính phủ, sửa đổi bổ sung một số điểm Nghị định 170 về pháp lệnh điều hành giá; theo đó, mặt hàng kinh doanh xăng dầu là mặt hàng Nhà nước quản lý, nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải có trách nhiệm đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước trong cả trường hợp tăng và giảm. Chúng tôi sẽ phải theo dõi việc này.

Nếu doanh nghiệp thấy thị trường thế giới giảm giá nhưng không tự động đăng ký điều chỉnh giảm, liên Bộ có quyền thông báo tới các doanh nghiệp để buộc phải giảm giá.

- Xin cảm ơn ông!

Thành lập tổ giám sát liên Bộ về giá xăng dầu

Tổ giám sát Liên Bộ Tài chính - Công thương về giá xăng dầu được thành lập theo Quyết định số 2013/QĐ-BTC ngày 16/9/2008 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà ký.

Tổ giám sát này gồm các thành viên: Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), một Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) và một số thành viên khác có liên quan của liên Bộ Tài chính - Công thương.

Tổ giám sát có nhiệm vụ giúp lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương theo dõi việc điều chỉnh giá xăng đầu do các doanh nghiệp đầu mối quy định, xem xét đề xuất báo cáo liên bộ về điều chỉnh giá bán xăng, dầu theo đúng quy định; tiếp nhận đăng ký giá bán xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối theo quy định trước thời điểm điều chỉnh giá 3 ngày (tính theo ngày làm việc); xem xét, phát hiện các yếu tố hợp lý hoặc bất hợp lý trong việc điều chỉnh giá để kiến nghị với lãnh đạo liên bộ chấp thuận hay không chấp thuận việc điều chỉnh giá...

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm