Chính thức cấm doanh nghiệp lập 2 hệ thống sổ kế toán
(Dân trí) - Luật Kế toán (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua, theo đó, cấm doanh nghiệp lập 2 hệ thống sổ kế toán tài chính nhằm ngăn chặn doanh nghiệp dùng số liệu ảo để làm hồ sơ vay vốn các tổ chức tín dụng, đấu thầu, thực hiện các giao dịch trên thị trường tài chính...
Chiều nay (20/11), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật Kế toán (sửa đổi). Theo đó, có 391 đại biểu tán thành trên tổng số 392 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm tỉ lệ 79,15% tổng số đại biểu).
Như vậy, có gần 108 đại biểu đã vắng mặt trong phiên bỏ phiếu biểu quyết chiều nay về dự án Luật này.
Báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho thấy, có ý kiến đề nghị xem xét quy định cấm doanh nghiệp lập 2 hệ thống sổ kế toán tài chính vì yêu cầu cập nhật để phục vụ quản trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên, UBTVQH khẳng định, dự thảo Luật cần có quy định cấm hành vi này. Mục đích nhằm ngăn chặn tình trạng ngoài hệ thống sổ kế toán tài chính theo quy định, đơn vị kế toán còn lập sổ sách kế toán, báo cáo tài chính khác phản ánh không đúng tình hình tài chính của đơn vị để đối phó với các cơ quan quản lý nhà nước, sử dụng để làm hồ sơ vay vốn các tổ chức tín dụng, đấu thầu, thực hiện các giao dịch trên thị trường tài chính...
Tuy vậy, dự thảo Luật chỉ quy định cấm đơn vị kế toán lập 2 hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên, nhưng không cấm đối với kế toán quản trị.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã bỏ quy định “không quá một lần kiểm tra cùng một nội dung trong một năm” để bảo đảm kiểm tra, kiểm soát lại khi kết quả kiểm tra trước đó có sai sót.
Có ý kiến đề nghị cần rút ngắn thời gian kiểm tra kế toán xuống còn 5 ngày làm việc, trường hợp phức tạp thì tổng thời gian tối đa không quá 10 ngày làm việc.
Đồng thời lại có đại biểu cho rằng, giới hạn không quá 15 ngày đối với mỗi cuộc kiểm tra kế toán của một bộ, ngành, tập đoàn có thể không phù hợp.
Theo đánh giá của UBTVQH, Dự thảo luật quy định về thời gian kiểm tra đối với mỗi cuộc kiểm tra kế toán tối đa là 15 ngày đã bảo đảm phù hợp với thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với nâng cao trình độ, năng lực cán bộ quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm tra, hạn chế phiền hà cho đơn vị kế toán.
Trường hợp quy định theo ngày làm việc sẽ dễ dẫn đến hiểu sai và vận dụng tùy tiện (có thể kiểm tra mỗi tuần chỉ một vài ngày để kéo dài cuộc kiểm tra). Tuy nhiên, để bảo đảm minh bạch, Ủy ban cũng đã bổ sung cụm từ “không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của Bộ luật lao động” vào nội dung này.
Bích Diệp