1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chính sách có tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng thực thi “quá nhẫn tâm”

(Dân trí) - "Các chính sách đối với đầu tư luôn đổi mới, Thủ tướng và các bộ ngành đã quyết liệt vào cuộc để đưa ra các chính sách như Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 mong sao tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, vấn đề thực thi chính sách của chúng ta quá nhẫn tâm".

Đây là chia sẻ của bà Hương Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young (E&Y) Việt Nam tại Tọa đàm trực tuyến: "Định hướng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian tới" được tổ chức sáng nay 17/10 tại Hà Nội.

Mặc dù được đánh giá là môi trường kinh doanh có sự cải thiện song các DN đầu tư nước ngoài sợ rủi ro chính sách ở Việt Nam
Mặc dù được đánh giá là môi trường kinh doanh có sự cải thiện song các DN đầu tư nước ngoài sợ rủi ro chính sách ở Việt Nam

Vị Phó Tổng Giám đốc E&Y dẫn chứng: Một DN FDI tại Việt Nam khi nhập khẩu phải trả thuế nhập khẩu cho phía Việt Nam, đại diện trung tâm phân tích đưa ra mã số khác với mã số của Hải quan, dẫn đến mức thuế khác nhau. Các đoàn kiểm tra vào và bác bỏ toàn bộ kết luận trước đó, đồng thời áp mức thuế suất 10% và yêu cầu nếu không nộp thuế sẽ đình chỉ hàng tại cảng không cho kinh doanh.

Cuối cùng DN buộc phải nộp thuế trước rồi đi kêu cứu cơ quan chức năng, sau 1 đến 2 năm, Tổng cục Hải quan kết luận DN đúng. Khi đó DN đã đóng thuế 1 - 2 năm vậy ai sẽ trả lãi cho số tiền đó của DN?

Cũng theo bà Hương Vũ: “Các chính sách đối với đầu tư luôn đổi mới, Thủ tướng và các bộ ngành đã quyết liệt vào cuộc và đưa ra các chính sách như Nghị quyết 35, Nghị quyết 19 để làm sao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, phải ngồi trực tiếp mới thấy họ khó khăn như thế nào. Vấn đề thực thi chính sách của chúng ta “quá nhẫn tâm”.

Đại diện E&Y cho rằng, các chính sách cần phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn nhưng cũng phải đo hiệu quả thực thi.

"Nhiều cơ quan có đường dây nóng, nhưng chỉ nóng được vài tuần sau đó nguội lạnh không ai nghe cả", bà Hương nói.

Theo bà Hương, các DN đầu tư vào khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc (Hà Nội) dù được Chính phủ và Hà Nội ưu đãi, khuyến khích nhưng các DN đang bị đang vướng trên, mắc dưới.

"Theo chính sách của Nhà nước, đầu tư 200 triệu USD vào khu công nghiệp Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được hưởng ưu đãi. Tôi đồng hành cùng nhà đầu tư tìm ra công thức tính tổng số vốn đầu tư nhưng đến nay chưa có giải đáp. Vấn đề là dựa vào tổng số vốn đầu tư, vốn góp hay cộng vốn vay trong bao nhiêu năm, hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bên cạnh đó, Nghị định đưa ra nhưng chưa có thông tư hướng dẫn", bà Hương Vũ chia sẻ.

Theo bà Hương: Khi đưa ra những điều kiện thu hút, thì cần có tiêu chí đánh giá để các nhà đầu tư không bị sốc khi bị hậu kiểm.

"Khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cách đây 15 năm, cơ quan cấp phép ghi rõ ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, khi thanh kiểm tra, cơ quan thuế lại cho rằng ưu đãi đưa ra như vậy là cao hơn so với thực tế lúc bấy giờ. DN ngã ngửa bởi họ coi giấy phép đầu tư là mang tính pháp lý cao nhất", bà Hương chia sẻ.

Phó Tổng E&Y Việt Nam khẳng định: Các DN FDI sợ nhất là chính sách hồi tố, bắt lỗi và bắt trả lãi của bộ ngành Việt Nam. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần tuyệt đối giữ các cam kết như những gì Chính phủ đã cam kết với Nhà đầu tư, để DN ngoại không sợ rủi ro chính sách và sự thay đổi chính sách của Việt Nam".

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm