“Chính quyền không cần làm gì cũng là một cách kiến tạo”
(Dân trí) - Mặc dù năm 2016, xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã tăng 9 bậc, song theo các chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp vẫn còn nhiều lo ngại về chi phí không chính thức, về sự “vô cảm” của công chức các cấp, cách ngành, về sự không chung thủy của địa phương. Trong nhiều trường hợp, chính quyền “không cần làm gì” cũng đã là một cách “kiến tạo”.
Sự “vô cảm” không chỉ ở anh bảo vệ, chị văn thư…
Phát biểu khai mạc tại hội thảo “Làm gì để môi trường đầu tư – kinh doanh minh bạch ổn định” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Thời báo Kinh doanh tổ chức cuối tuần trước, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, cho đến nay, là điểm đến của nhiều doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư quốc tế, song Việt Nam mới chỉ được đánh giá cao ở môi trường chính trị ổn định, quy mô thị trường tương đối lớn, chi phí lao động thấp…
Còn về môi trường thể chế kinh tế, thủ tục hành chính vẫn phức tạp nhất và là mối lo ngại chính của nhà đầu tư. Chi phí thủ tục hành chính bao gồm chính thức và không chính thức còn ở mức cao. Chất lượng thể chế và chất lượng thủ tục hành chính còn thấp.
Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI, việc cắt bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong 1 năm trở lại đây đã những có bước tiến nhất định. Chính phủ đã xây dựng 50 nghị định về các ĐKKD, cắt giảm khá nhiều so với trước đây nhưng theo phản ánh của DN, trong số 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì vẫn còn có thể giảm bớt.
“Như VCCI cũng đã đề nghị xem xét điều chỉnh 24 ĐKKD, nhưng vẫn rất chậm chuyển biến”, ông Lộc phản ánh. Ngay như Bộ Công Thương là đơn vị rất mạnh mẽ trong việc tuyên bố loại bỏ hàng loạt ĐKKD thế nhưng sau một vài động thái ban đầu thì nay cũng rất yên ắng.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, tình trạng “trên nóng dưới lạnh” chủ yếu do ý thức nhưng một phần do luật pháp không chặt chẽ, quy định pháp luật có thể có nhiều cách hiểu, dẫn đến ai cũng có cách hiểu riêng nên khó khăn bất lợi bị đẩy sang cho người dân và DN.
Hiện tượng “thờ ơ, vô cảm” của một số cơ quan chính quyền và công chức, từ chị văn thư, anh bảo vệ cấp cơ sở còn phổ biến. Song theo ông Lộc, tình trạng này không chỉ diễn ra ở cấp địa phương mà ngay cả ở các cấp trung ương, bộ ngành.
“Thủ tướng, Chính phủ quyết liệt, nhưng xuống bộ ngành, địa phương đã nguôi đi một chút, xuống đến cấp sở, vụ, quận, huyện thì giảm nhiệt đáng kể. Cho nên sự nhất quán, sự thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ cần phải thực hiện ở mọi cấp, mọi nơi”, ông Lộc nhận định.
Có tình trạng chính quyền “lật kèo” với doanh nghiệp, nhà đầu tư
Cũng theo ông Lộc, không phải chỉ có việc nhất quán của chính sách còn phải có sự chung thủy của chính quyền đối với DN khi giải quyết vấn đề cho DN. Theo đó, nhiều nơi, chính quyền đã không chung thủy với DN khi thay đổi chủ trương. Lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến lợi ích chung, đi ngược lại với những cam kết trước đây khi địa phương kêu gọi DN đầu tư vào các dự án, công trình, từ đó, đẩy DN vào tình huống khó khăn.
Góp tham luận tại tọa đàm này, luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên VIAC cũng nhận xét, trên thực tế diễn ra nhiều hành động vô tình hay cố ý loại bỏ, gây khó và đánh đố nhà đầu tư.
Ông Đức nêu hai ví dụ tại Hải Phòng, năm 2013, CTCP Đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng xây dựng bến xe khách Thượng Lý với tổng diện tích 11.600 m2, công suất 300 lượt xe ra vào mỗi ngày, mức đầu tư 50 tỷ đồng để thay thế cho bến xe Tam Bạc đóng cửa vào tháng 6/2015.
Tuy nhiên, thay vì điều chuyển toàn bộ phương tiện đang hoạt động tại bên xe Tam Bạc sang bến xe Thượng Lý như chủ trương ban đầu, Sở Giao thông vận tải Hải Phòng đã cho phép các DN đang hoạt động tại bến xe Tam Bạc được lựa chọn chuyển sang bến xe Niệm Nghĩa ở trung tâm thành phố, với lợi thế cạnh tranh hoàn toàn áp đảo bến xe Thượng Lý.
“Nếu như cho rằng, việc điều phối luồng tuyến xe khách như vậy là đúng quy định của pháp luật và đúng với quy luật thị trường thì có khác gì là chính quyền đã lừa dối nhà đầu tư?”, ông Đức đặt câu hỏi.
Thực tế, câu chuyện trên cũng đã được ông Nguyễn Văn Đệ (bầu Đệ) nêu ra tại Hội nghị Thủ tướng với DN diễn ra mới đây khi cho rằng, các nhà đầu tư đã bị chính quyền thành phố “lật kèo”.
Tại buổi tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thậm chí cho biết, có thể dành cả ngày để nói về những rủi ro với DN khi kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Ông Hiếu đánh giá, mặc dù thực tế Việt Nam đã thăng hạng 9 bậc về môi trường đầu tư, kinh doanh nhưng vẫn chỉ nằm trong diện các nước có môi trường kinh doanh yếu kém. “Ta tăng 9 bậc thì Myanmar tăng 70 bậc, Indonesia tăng 30 bậc, vậy thì tăng là tăng với ai?”, ông Hiếu nói.
Theo ông, điều khiến DN, nhà đầu tư lo ngại nhất không phải chi phí sản xuất mà là “chi phí tuân thủ pháp luật”, tức bao gồm cả chi phí chính thức lẫn không chính thức để thực hiện thủ tục hành chính. Tất cả những chi phí này đều được cộng vào giá thành sản phẩm và làm giảm tính cạnh tranh của DN trên thị trường.
Rủi ro - không phải rủi ro thị trường mà là rủi ro pháp lý rất cao khiến nhà kinh doanh đầu tư không tính toán dài hạn mà đầu tư chộp giật, khấu hao nhanh.
Lấy ví dụ như, quy định cấp giấy phép hoạt động kinh doanh trong 5 năm, sau 5 năm phải xin cấp lại. “Vấn đề có được cấp phép lại hay không? Nếu không thì toàn bộ phần đầu tư trước đó sẽ phải xử lý như thế nào?”, vị chuyên gia bày tỏ băn khoăn. Đây cũng chính là lý do khiến rất nhiều trường hợp DN mất tiền oan, nhiều khoản đầu tư trở nên lãng phí.
Chính vì vậy, theo ông Hiếu, để hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh, Nhà nước cần tiến tới hạn chế tối đa việc can thiệp hành chính vào thị trường. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, “không làm gì cũng là một cách kiến tạo”.
Bích Diệp