Chính quyền chèn ép, doanh nghiệp như "cá nằm trên thớt"

(Dân trí) - Góp ý về dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đại diện VCCI cũng như các doanh nghiệp đều cho rằng, luật cần loại bỏ được cơ chế xin - cho, cải thiện được đạo đức công vụ của công chức địa phương. Bởi thực tiễn những năm qua cho thấy, nhiều DN cảm thấy sợ khi nhắc tới hỗ trợ khi chi phí xin hỗ trợ đã chiếm gần hết khoản cần hỗ trợ.

Phát biểu tại hội thảo "Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dưới góc nhìn của cộng đồng DN" diễn ra sáng nay (11/7), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình nhằm hỗ trợ cộng đồng DN, song còn tản mạn, hiệu quả chưa cao, mang tính chất hành chính, gắn với cơ quan nhà nước và ít gắn với các hiệp hội. Việc ban hành luật DNNVV sẽ tạo khung khổ pháp lý cho những hoạt động hỗ trợ đối với các DN này trong thời gian tới.

Theo ông Lộc, đây là hoạt động quan trọng để hướng đến mục tiêu 1 triệu DN hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Bên cạnh đó, luật này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển thành DN, thúc đẩy DN nhỏ lớn lên.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo (Ảnh: DĐDN)
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo (Ảnh: DĐDN)

Hiện tại, DNNVV đang chiếm 98% trong tổng số DN của nền kinh tế với khoảng 400.000 DNNVV, đó là chưa tính đến 4,5 triệu hộ kinh doanh. Các chương trình hỗ trợ DN chủ yếu thực hiện khi DN gặp khó khăn (như miễn, giảm, hoãn nộp thuế) chứ chưa hướng đến mục tiêu thúc đẩy DN.

Thêm vào đó, số lượng DN lớn trong khi nguồn lực Nhà nước hạn chế, vì vậy, ông Lộc cho rằng, Luật DNNVV phải xác định cụ thể phương thức và đối tượng hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả, giảm chi phí không chính thức và thủ tục hành chính trong kinh doanh, hạn chế hỗ trợ bằng hình thức hành chính, bỏ cơ chế xin - cho và cơ chế hỗ trợ trực tiếp, từ đó nâng cao năng lực của DN.

Chủ tịch VCCI cũng nhận định, trong công tác hỗ trợ DN, các hiệp hội DN phải đóng vai trò là cánh tay nối dài của Nhà nước, Nhà nước không "đẻ" thêm bộ máy để hỗ trợ mà nên giao nhiệm vụ này cho các hiệp hội, không cần phải có ngân hàng chuyên hỗ trợ DNNVV mà lồng trong các chương trình cho vay của tất cả ngân hàng.

Theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty tư vấn Economica, khi xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV cần lưu ý đến thực trạng, trong 8 năm qua, có khoảng hơn 600.000 DN đăng ký, tuy nhiên, số DN hoạt động chỉ có khoảng 273.000 DN, có nghĩa là chỉ khoảng 40% DN đăng ký kinh doanh hoạt động. Do vậy, ông Bình kỳ vọng, với Luật hỗ trợ DNNVV, khoảng cách giữa số lượng DN đăng ký và số DN hoạt động trên thực tế sẽ được thu hẹp.

Hơn nữa, luật này được đưa ra trong bối cảnh, xét về số lượng, DNNVV gấp 112 lần số DN Nhà nước và DN FDI nhưng lại chỉ tạo lợi nhuận bằng 0,4 lần so với các DN trên. Năng suất lao động của DNNVV cũng chỉ lần bằng 0,2 lần và 0,5 lần so với DNNN và DN FDI. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải có các chương trình trọng tâm hơn nữa để hỗ trợ các DNNVV hoạt động hiệu quả hơn, thay vì bảo hộ, Nhà nước nên kiện tạo và tạo điều kiện cho các DN này phát triển.

Cập nhật cụ thể hơn về dự thảo luật, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, với 5 chương, 33 điều, dự Luật DNNVV đưa ra mục tiêu hỗ trợ hướng đến nhu cầu của DN chứ không phải xuất phát từ nhu cầu của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI trăn trở, trong chọn lọc đối tượng DN được hỗ trợ vẫn còn dư âm của cơ chế xin - cho, nghĩa là cơ chế ưu đãi vẫn còn dựa trên điều kiện. Ngoài ra, theo bà Hằng, cơ chế hỗ trợ giá sẽ bóp méo thị trường, nhiều thủ tục nhiêu khê gắn theo, không tạo linh hoạt trong tiếp cận nguồn lực.

Đại diện cho các DN từ Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Đệ cho rằng, thời gian qua, mặc dù các ngành các cấp có quan tâm đến DNNVV nhưng chưa sâu sắc, chính sách chưa phù hợp.

"Chính sách như một ông khổng lổ và khẳng khiu. Đụng vào 'ông to' là hàng vạn DN 'đứng đường', họ ưu đãi giao đất sạch, lấy ngân sách nhà nước giải phóng mặt bằng cho DN lớn trong khi nhiều DN lớn làm ăn không tốt, trốn nghĩa vụ bảo hiểm cho người lao động", ông Đệ phản ánh.

Ông Đệ cũng chỉ ra rằng, có trường hợp một số địa phương bao thầu cho DN lớn, không có thị trường bình đẳng cho DN nhỏ. Đạo đức thực thi công vụ còn hạn chế thế nhưng, nếu công chức vi phạm đạo đức công vụ mà bị giảm biên chế thì rất khó, bởi "cửa miệng bao biện cho nhau rất nhiều".

Thậm chí, ông Đệ còn ví von, ở một số nơi, DN như "cá nằm trên thớt" do sự chèn ép của chính quyền địa phương. "Nếu có đơn của hiệp hội thì ngay ngày hôm sau đã đến điều tra ngược DN, đòi đủ thứ giấy phép".

"Luật tốt nhưng đội ngũ công chức cứ cha chung không ai khóc' thì luật không thể thực thi được", ông Đệ khẳng định. Nếu thực thi luật không chặt chẽ thì sinh ra tiêu cực, tạo nên khoảng trống xin - cho, lại rơi vào dòng xoáy thân quen. Do đó, ông Đệ đề nghị trong xây dựng dự thảo luật phải chặt chẽ ngay từ đầu.

Ông Võ Hùng Dũng, đại diện cho các DN từ tỉnh Cần Thơ cũng không khỏi lo ngại về cơ chế xin - cho sau khi ban hành Luật hỗ trợ DNNVV.

"Nếu vẫn còn tình trạng xin - cho thì DN muốn nhận hỗ trợ cũng sợ vì phải làm thủ tục xin hỗ trợ. DN nói nghe nói tới hỗ trợ là rất sợ, chi phí đi xin hỗ trợ cũng gần hết phần đó rồi. Do đó họ không quan tâm lắm hỗ trợ. Do đó, nếu thiết kế chương trình hỗ trợ mà DN không quan tâm thì cũng không còn cần thiết nữa", ông Dũng nhận xét.

Bích Diệp