Doanh nghiệp bị hành vì dấu chấm, dấu phẩy: Sự vô cảm của công chức

(Dân trí) - Về câu chuyện chỉ vì nhầm dấu chấm, dấu phẩy mà một hồ sơ đăng ký kinh doanh bị "giam" nhiều ngày và sau đó bị trả lại cho doanh nghiệp (DN), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông cho rằng, đây là sự vô cảm của công chức Nhà nước.

Tại Diễn đàn Khởi nghiệp sáng tạo – Hiểu đúng, hành động đúng được tổ chức chiều qua (19/5) tại Hà Nội, một DN khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp đã chỉ dẫn sự việc họ bị "giam" hồ sơ đăng ký thành lập kinh doanh, chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh chỉ vì nhầm dấu chấm, dấu phẩy.

Dấu chấm, dấu phẩy là đạo đức công vụ

Ngay sau câu chuyện chia sẻ của DN, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho rằng: Câu chuyện dấu chấm dấu phẩy là điển hình của đạo đức công vụ. Chuyện dấu chấm, dấu phẩy là cái oái oăm của công chức, là sự vô cảm của công chức. Tại Hội nghị của Thủ tướng với DN vừa diễn ra, vấn đề này, tiếng nói này đã đến tai của Chính phủ.

Doanh nghiệp khởi nghiệp không phải là trường hợp ngoại lệ trong hành vi cản trở của công chức (ảnh minh hoạ)
Doanh nghiệp khởi nghiệp không phải là trường hợp ngoại lệ trong hành vi cản trở của công chức (ảnh minh hoạ)

Ông Đông cho rằng, cá nhân mình cũng đã từng gặp trường hợp như vậy. "Một đứa cháu của tôi là kiến trúc sư, đăng ký sở hữu trí tuệ cho tên công ty, trong đó có từ "house". Tuy nhiên, cơ quan cấp quyền sở hữu trí tuệ cho rằng có một công ty khác cũng lập tên DN có từ "home" rồi. House và Home trong tiếng Anh đều có nghĩa là nhà, theo đó không được đăng ký. Sau đó ông Đông phải vào sang làm việc với người đứng đầu, sau 3 tháng cơ quan Nhà nước mới cho đăng ký tên công ty.

Hay một DN Sơn tường khác đăng ký tên sở hữu trí tuệ cho sơn vật liệu mới là "nano", Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương trả về bắt đăng ký rõ tên là "na", "nô". Lý do được đưa ra là tiếng Việt không có chữ “nano”. Từ những ví dụ trên, cho thấy có sự oái oăm của công chức.

Theo ông Đông, nếu Việt Nam không kiểm soát hành vi công vụ thì sẽ còn xảy ra những vấn đề nguy hiểm hơn rất nhiều những vụ dấu chấm, dấu phẩy.

Tại Diễn đàn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy điển ngài Pereric Hogberg chia sẻ bí quyết giúp đất nước này từ một nước nghèo nhất châu Âu cách đây 100 năm, trở thành đất nước thịnh vượng nhất hiện nay. Câu trả lời rất đơn giản, sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

"Chúng tôi đầu tư 4% GDP cho nghiên cứu, sáng tạo để cung cấp ứng dụng cho DN và xã hội. Các học sinh của Thụy điển được tự do sáng tạo, suy nghĩ và dám thất bại, để tìm ra ý tưởng tốt nhất. Chúng tôi thừa nhận và tôn vinh những ý tưởng sáng tạo. Xây dựng cả xã hội cho sáng tạo, cho khởi nghiệp", ngài Pereric Hogberg nói.

Nguy cơ “chảy máu ý tưởng khởi nghiệp”

Theo đại điện Bộ Khoa học và Công nghệ, nền tảng cho khởi nghiệp tại Việt Nam hiện nay đi đầu là công nghệ. Tuy nhiên, hệ sinh thái, cụ thể hơn là cơ chế chính sách là đầu tiên, quyết định cho những dự án khởi nghiệp thành công.

"Chúng ta từng chứng kiến một số DN Việt Nam phải cất công sang tận Singapore để làm thủ tục thành lập, được chứng nhận kinh doanh một ngành nghề. Trong khi đó, DN ấy lại hoạt động cung ứng dịch vụ tại thị trường Việt Nam. Nguyên nhân là ở Việt Nam, họ không được chấp nhận, không được đăng ký kinh doanh. Hiện nay Thái Lan và Singapore có chính sách thu hút vốn rất lớn cho khởi nghiệp, nếu Việt Nam không cải thiện chúng ta sẽ mất các DN ý tưởng".

Thứ trưởng Đông nói: "Tôi phải nói thêm rằng, muốn có khởi nghiệp, chúng ta phải có hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, nếu một mắt xích "lỗi" sẽ hỏng cả hệ thống. Bộ KH&ĐT sau khi Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ ra đời, sẽ xây dựng cơ chế để các quỹ mạo hiểm hoạt động như các kênh đầu tư tại Việt Nam, từ đó hút vốn cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp", ông Đông nói.

Ông Đông nêu ví dụ: "Như bạn Nguyễn Hà Đông - tác giả sáng chế ra game online Flappy Bird gây rúng động thế giới nhưng sau đó phải từ bỏ. Hà Đông chỉ học về công nghệ, sao đòi hỏi tác giả phải học về pháp lý, sở hữu trí tuệ để đăng ký cho sản phẩm của mình. Cái này, cơ quan Nhà nước phải ra tay, hỗ trợ bạn ấy bảo vệ được sản phẩm của mình".

Theo ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Chúng ta chưa có quỹ đầu tư, quỹ mạo hiểm tốt cho khởi nghiệp sáng tạo. Chúng tôi rất mong muốn cơ quan Nhà nước giúp DN tiếp cận các quỹ này. Một năm qua, Hội đã xây dựng chương trình hỗ trợ để khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh. Cá nhân, doanh nghiệp chỉ cần đưa ra ý tưởng, các DN lớn như Vingoup, FPT, Viettel, Vinamilk... sẽ là những nhà đầu tư mạo hiểm, đánh giá, bỏ vốn để cho cá nhân, DN biến ý tưởng thành dự án, biến dự án thành DN, biến DN nhỏ thành DN lớn và có tiền.

Ông Quân cho rằng: Bản thân các DN tập đoàn lớn hiện nay rất ít đầu tư vào công nghệ lõi, công nghệ quản trị, công nghệ để giúp gia tăng lợi nhuận, doanh thu. Đây là cái thiếu, điểm yếu của họ. Thế nên, các ý tưởng, cá nhân, DN nhỏ hoàn toàn kỳ vọng và khai thác cơ hội này biến nó thành thị trường, thành tiền của mình.

Nguyễn Tuyền