1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chính phủ: “Tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được”

(Dân trí) - Theo đánh giá của Chính phủ, tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực. Việc quản lý và triển khai các dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, yếu kém, thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư.

Sáng nay 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày với Quốc hội Tờ trình dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Lãng phí xảy ra ở các giai đoạn đầu tư

Theo đánh giá của Chính phủ, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) đã được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29/11/2005 và có hiệu lực từ ngày 1/6/2006. Qua hơn 7 năm thực hiện Luật, việc triển khai THTK, CLP đã thu được kết quả đáng khích lệ về tiết kiệm. Tuy nhiên, tình trạng lãng phí chưa ngăn chặn được, vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực.

Trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước (NSNN) chi thường xuyên, một số cơ quan, đơn vị, vẫn còn tình trạng chi vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc sử dụng kinh phí sai mục đích; không thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của cơ quan có thẩm quyền dẫn đến lãng phí hoặc sử dụng không hiệu quả kinh phí NSNN được giao làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Trong quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra: Việc quản lý và triển khai thực hiện các dự án đầu tư trong những năm qua còn nhiều hạn chế, yếu kém, thất thoát, lãng phí xảy ra ở hầu hết các giai đoạn của quá trình đầu tư, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp. Trong năm 2010, cả nước có 3.386 dự án chậm tiến độ, 221 dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư…

Còn kết quả kiểm toán 8 tháng đầu năm 2012 cho thấy, hầu hết các dự án đầu tư được kiểm toán đều có sai phạm trong công tác đấu thầu, thẩm định, phê duyệt dự án, nghiệm thu khống, nghiệm thu sai khối lượng, đơn giá, quyết toán thừa cho nhà thầu. 


Tận thu từ... biệt thự bỏ hoang.

Tận thu từ... biệt thự bỏ hoang.

Bên cạnh đó, trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ vẫn còn tình trạng sử dụng nhà đất không đúng mục đích, bị lấn chiếm hoặc để hoang hóa, khai thác không hết công năng hoặc sai mục đích. Một số nơi buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, để lãng phí. Quy hoạch “treo” vẫn còn ở nhiều địa phương gây lãng phí lớn nhưng chậm được khắc phục.

Đặc biệt, không ít doanh nghiệp chưa ý thức được việc cần thiết phải áp dụng những biện pháp tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Báo cáo của Chính phủ đánh giá: “Trong quản lý tài chính tại doanh nghiệp nhà nước vẫn còn sơ hở, sử dụng vốn kém hiệu quả, một số doanh nghiệp thực hiện đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh trong khi năng lực quản lý, trình độ quản trị doanh nghiệp và khả năng tài chính có hạn để thua lỗ kéo dài”.

Số liệu từ báo cáo cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2012 thực hiện tiết giảm chi phí được 4.433 tỷ đồng trên tổng số 12.548,7 tỷ đồng đã đăng ký, đạt 35.22%. Năm 2011, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ lớn (như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xăng dầu quân đội) hoặc có lãi nhưng hiệu quả chưa cao (Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí); một số doanh nghiệp sử dụng đất kém hiệu quả (Tổng công ty CN Sài Gòn, Tổng công ty Văn hoá Sài Gòn, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam)…

Quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu

Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật THTK, CLP.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, “tiết kiệm là quốc sách”, là chủ trương bắt buộc. Vì vậy, cần có quy định nhằm điều chỉnh toàn diện đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là nguồn tài nguyên thuộc sở hữu toàn dân, góp phần giáo dục và nâng cao ý thức tiết kiệm của nhân dân, nhất là trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, lĩnh vực y tế và giáo dục - đào tạo đã và đang tồn tại lãng phí không nhỏ. Vì vậy, đề nghị quy định cụ thể về THTK, CLP đối với hai lĩnh vực này trong Dự thảo luật.

Đánh giá về chế độ trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm riêng của từng cơ quan. Ví dụ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về thẩm định quy hoạch, hướng dẫn xây dựng quy hoạch, thực hiện đấu thầu…; Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về cấp phép xây dựng, quản lý nhà nước theo quy hoạch, quản lý nhà nước về định mức, đơn giá trong xây dựng cơ bản...

Theo quy định của Dự thảo luật thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm chỉ bị xử lý khi hành vi vi phạm đó gây ra lãng phí. Do đó, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa theo hướng mọi tổ chức, cá nhân khi có hành vi vi phạm là thuộc đối tượng phải xử lý trách nhiệm. Bởi xét về nguyên tắc, khi có hành vi vi phạm pháp luật thì phải thuộc đối tượng bị xử lý. Còn việc gây hậu quả thì căn cứ vào tính chất, mức độ để có hình thức xử lý tương ứng.

Cũng theo một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách, lãng phí biểu hiện phổ biến hiện nay là đưa ra các quyết định gây lãng phí, như quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế, xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn... Từ đó dẫn đến nhiều công trình đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn; vốn đầu tư bị chôn vào các công trình kém hiệu quả hoặc chậm đưa vào khai thác. Do vậy, trong Luật này cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định gây lãng phí; đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm minh trong trường hợp vi phạm.

Nguyễn Hiền