Chính phủ "sốt ruột" với xếp hạng môi trường kinh doanh quốc gia

(Dân trí) - Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu, đến hết năm 2015 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) tối thiểu phải bằng ASEAN 6.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2014.

Theo đó, tại phiên họp vừa rồi, Chính phủ thống nhất đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế năm qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Nợ công còn cao, cơ cấu chi ngân sách chưa hợp lý, việc tổ chức triển khai thực hiện cơ chế, chính sách có nơi, có lúc còn chưa quyết liệt… đòi hỏi cần phải tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Chính phủ sốt ruột với xếp hạng môi trường kinh doanh quốc gia
Chính phủ "sốt ruột" với xếp hạng môi trường kinh doanh quốc gia

Để tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, nhất quán và triệt để Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm đến hết năm 2015 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) tối thiểu bằng ASEAN 6, Chính phủ quyết nghị, yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục củng cố, duy trì tính bền vững của các kết quả đã đạt được về chỉ số nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội, khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư và tiếp cận điện. 

Song song với đó là chú trọng cải cách thể chế nhằm cải thiện chỉ số về thể chế, đồng thời công bố công khai các chỉ số cải cách hành chính. Tập trung thực hiện cải cách chỉ số đối với 5 tiêu chí chưa được thực hiện, gồm: Cấp phép xây dựng; quyền sở hữu tài sản; tiếp cận tín dụng; thực thi hợp đồng; xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh được phân công phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong tháng 2/2015. 

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công rà soát các thủ tục hành chính để sửa đổi, bổ sung bằng các Thông tư, Thông tư liên tịch hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết trong trường hợp vượt thẩm quyền; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, tạo chuyển biến tích cực. 

Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, coi nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi bộ, ngành, địa phương trong năm 2015 và các năm tiếp theo.

Tăng cường giám sát, kiểm tra việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Để tăng cường giám sát, kiểm tra việc đầu tư, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khắc phục và chấn chỉnh việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh dàn trải, không đúng mục tiêu, chiến lược và để bảo đảm công khai, minh bạch, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết các Luật có liên quan mới được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8. 

Các doanh nghiệp Nhà nước cần triển khai quyết liệt việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm nhằm gia tăng lợi nhuận.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để đạt kế hoạch đã đề ra, đặc biệt là cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước. Mục tiêu là hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước đến năm 2015.

Căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp Nhà nước, rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước sau năm 2015 trong quý I năm 2015, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện.

Các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước có công ty nông, lâm nghiệp chỉ đạo các công ty rà soát chức năng, nhiệm vụ, xây dựng phương án tổng thể sắp xếp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cùng các cơ quan liên quan đánh giá toàn diện công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 trong quý IV năm 2015.

Ưu đãi cho chuyên gia giỏi khi cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập

Về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, Chính phủ thống nhất mở rộng phạm vi chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần, trong đó cần chú ý đặc thù và có loại hình phù hợp đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo. 

Các thành viên Chính phủ đều đồng ý rằng, cần có chính sách ưu đãi hơn cho người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, chủ đề tài nghiên cứu khoa học, có bằng phát minh sáng chế đã được áp dụng, đang làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi. Có quy định đặc thù về xác định giá trị doanh nghiệp, không tính giá trị thương hiệu và tiềm năng phát triển vào giá trị đơn vị sự nghiệp công lập khi thực hiện chuyển đổi để khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần.

Để thực hiện điều này, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong quý I năm 2015.

Bích Diệp
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”