Chính phủ: Kiểm soát cho vay bất động sản

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xem xét kỹ lưỡng việc cho vay bất động sản để tránh hiện tượng “bong bóng” của thị trường này. Thực hiện chỉ đạo trên, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ giám sát cho vay bất động sản, tránh những tác động xấu…

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ nhận định, thị trường bất động sản có những dấu hiệu không tốt. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải có phân tích thị trường bất động sản hiện nay, xem xét kỹ lưỡng việc cho vay bất động sản để tránh hiện tượng “bong bóng”.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, đến cuối tháng 5 tổng dư nợ cho vay bất động sản là 192.000 tỷ đồng, tăng hơn 4%. Mức tăng này theo ông Bảo, thấp hơn so với mức tăng trưởng chung của dư nợ tín dụng và chiếm 10% tổng dư nợ tín dụng. Cơ chế cho vay bất động sản đang thực hiện là vay lãi suất thoả thuận.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ông Bảo cho biết, Ngân hàng sẽ giám sát với cho vay với bất động sản đảm bảo sự hợp lý, tránh tác động xấu tới các lĩnh vực khác, đồng thời tập trung nguồn lực cho sản xuất.
 
Chính phủ: Kiểm soát cho vay bất động sản - 1
Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát cho vay bất động sản
 
Cũng liên quan đến hoạt động ngân hàng, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cho rằng lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng thực hiện các biện pháp giảm lãi suất, bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế.

Về vấn đề cung cấp điện, Chính phủ nhận định, việc thiếu điện đã ảnh hưởng đến tăng trưởng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công thương có các giải pháp quyết liệt đảm bảo điện cho sản xuất và đời sống, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ, đưa một số nhà máy vào vận hành.

Thứ trưởng Bộ Công thương, Nguyễn Thành Biên cho biết, thuỷ điện chiếm 34% lượng điện cung cấp, nhưng thời gian qua nước tại nhiều hồ thuỷ điện xấp xỉ mức chết nên đã ảnh hưởng tới việc cung cấp điện.

Trả lời câu hỏi của báo chí ông Biên cho rằng, không có chuyện ngành điện hạn chế phát các nguồn điện có chi phí cao (như tuốc bin chạy bằng dầu) trong thời gian qua, bởi nhu cầu điện tăng 22,3% so với năm trước, trong khi nguồn thuỷ điện giảm nên các nguồn điện khác phải tăng lên.

Cụ thể, trong tháng 4 vừa qua đã huy động được 8.000 tỷ KW/h từ các nguồn điện giá thành cao. “Không có chuyện ngành điện tiết kiệm các nguồn điện giá thành cao và trong tháng 5 nguồn điện này còn tăng hơn nữa”, ông Biên khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng, việc tiết giảm điện là không tránh khỏi, nhưng Bộ đã quán triệt thực hiện theo nguyên tắc công bằng, luân phiên, không cắt một điểm lâu dài và khi cắt phải báo trước.

Tuy nhiên, vừa qua do phải cung ứng nguồn điện quá lớn nên nhiều nơi đã có các sự cố của đường dây, biến áp. Đặc biệt, tại thành phố HCM có nơi mất điện tới 23 giờ do xảy ra biến cố ở trạm biến thế.

Cũng theo ông Biên, có những khu vực do không tách bạch đường dây cho điện sản xuất và điện tiêu dùng nên khi phụ tải tăng cao đã phải cắt điện chung.
 
Liên quan tới vấn đề lạm phát, ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KH & ĐT cho rằng, với tình hình hiện nay, Chính phủ cố gắng khống chế chỉ số này khoảng 8%. Ông Hà cho biết, ông chưa nắm được việc Chính phủ có trình Quốc hội về việc điều chỉnh chỉ số này (Chỉ số lạm phát Quốc hội đã thông qua là 7%) vào cuối kỳ họp Quốc hội lần này không.
 
Cấn Cường