1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chính phủ đầu tư cho ngành than 320 ngàn tỉ đồng

Đó là Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, triển vọng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trao đổi bên lề Lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa 3 Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (PVN) và Điện lực Việt Nam chiều nay, đại diện lãnh đạo Vinacomin cho biết, hiện tỷ trọng khai thác hầm lò đang thay thế nhanh lượng mỏ khai thác lộ thiên, vì vậy ngành than cần một lực đẩy đầu tư rất mạnh trong 10 năm tới để hoàn thành các nhiệm vụ chiến lược mà Chính phủ giao phó.

 

Với tỉ trọng khai thác hầm lò tăng nhanh, Vinacomin lâm vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng
Với tỉ trọng khai thác hầm lò tăng nhanh, Vinacomin lâm vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng

 

Theo đó, Chính phủ giao cho ngành than phải tăng nhanh sản lượng khai thác, dự tính đến năm 2020 đạt 66-70 triệu tấn nguyên khai, khoảng 55 triệu tấn than sạch; đến năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn, trong đó bể than sông Hồng đóng góp trên 10 triệu tấn than thương phẩm... Để thực hiện mục tiêu này, dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành đến năm 2020 khoảng 15 tỉ USD, tương đương 320 ngàn tỉ đồng. Hiện dự án bể than sông Hồng vẫn chưa khả thi và còn xuất hiện nhiều luồng thông tin trái chiều.

 

“Do đặc thù của ngành công nghiệp khai thác là tác động trực tiếp đến tự nhiên, vì vậy khoa học công nghệ, cơ giới hóa được Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam xác định là yếu tố hàng đầu, vừa nhằm đảm bảo sản lượng, vừa duy trì môi trường ổn định, bền vững,” đại diện Vinacomin khẳng định.

 

Bản thân trong bản Quy hoạch ngành than, Chính phủ cũng quy định rõ: Vinacomin khai thác phải gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vùng than; bảo đảm hài hòa giữa vấn đề an ninh lương thực với an ninh năng lượng, bảo đảm an toàn trong sản xuất, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng trên địa bàn, đặc biệt là vùng than Quảng Ninh...

 

Theo Hữu Tùng

Petrotimes