1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chính phủ đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa ra sao?

Văn Hưng

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu bình quân 6-7%/năm giai đoạn 2021-2030.

Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 5-6%/năm. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5-6%/năm trong thời kỳ 2021-2030.

Hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu kế hoạch tăng tỷ trọng lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.

Tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu tăng lên 16-17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18-19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32-33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33-34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49-50% vào năm 2025 và 46-47% vào năm 2030.

Về định hướng xuất khẩu hàng hóa, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học - công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Chính phủ đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa ra sao? - 1

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6-7%/năm trong thời kỳ 2021-2030.

Giai đoạn 2021-2025, nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản Việt; nâng cao giá trị gia tăng cho những mặt hàng có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày, điện tử, các sản phẩm công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình.

Giai đoạn 2026-2030, phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu; hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Về định hướng nhập khẩu hàng hóa, chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát việc nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng xa xỉ, hàng hóa không thiết yếu, kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Về định hướng phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn; khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN...

Bên cạnh đó, chiến lược hướng đến đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Mỹ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông... hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài.