Vấn đề kinh tế trong tuần:

Bất ngờ 36 tấn khẩu trang xuất khẩu trong bão dịch, xử lý ra sao?

(Dân trí) - Bên cạnh tin vui Nghị viện EU phê chuẩn EVFTA thì tuần vừa qua cũng có một thông tin gây chú ý: Trong khi khẩu trang trong nước khan hiếm thì xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh.

Trung Quốc lùi thời gian mở cửa khẩu đến cuối tháng 2, hàng Việt lại ùn ứ

Hồi đầu tuần, Bộ Công Thương cho biết đã nhận được thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc) cho biết, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. Thời gian dự kiến trước mắt là tới cuối tháng 2/2020.

Về phía chính quyền tỉnh Vân Nam, Bộ Công Thương cho biết, hiện chưa có thông tin chính thức nhưng trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra, nhiều khả năng chính quyền tỉnh Vân Nam cũng sẽ đưa ra quyết định tương tự.

Trong khi đó, xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các chợ biên giới vẫn là phương thức xuất khẩu chủ yếu đối với một số chủng loại nông sản của nước ta, trong đó có thanh long và dưa hấu. Do đó, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi quyết định nói trên. Tính tới sáng ngày 09/02/2020, tại tỉnh Lạng Sơn chỉ tồn 173 xe thanh long, tại tỉnh Lào Cai là 152 xe.

Hơn 36 tấn khẩu trang y tế đã được xuất đi ở sân bay Tân Sơn Nhất

Bất ngờ 36 tấn khẩu trang xuất khẩu trong bão dịch, xử lý ra sao? - 1

Xuất khẩu khẩu trang tiếp tục tăng mạnh trong khi nhu cầu trong nước vẫn rất lớn và giá thành mặt hàng này vẫn ở mức cao

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (thuộc Cục Hải quan TP.HCM), từ sau Tết nguyên đán Canh Tý 2020, xuất khẩu khẩu trang qua đường hàng không tăng mạnh. Chỉ tính riêng từ ngày 30/1 đến 4/2, chi cục đã làm thủ tục xuất khẩu khoảng 36 tấn khẩu trang .

Về xuất xứ nguồn nhập, theo báo cáo của Hải quan Tân Sơn Nhất, số khẩu trang trên được xuất khẩu đi Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore, Malaysia. Trong đó, chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Hồng Kông, Trung Quốc.

Trước đó, mặt hàng khẩu trang không được xuất đi qua đường hàng khẩu, hiện tượng này chỉ xảy ra khi các nước như Trung Quốc và một số lãnh thổ khác bị bùng phát dịch viêm phổi cấp do Covid-19.

Tổng cục Hải quan gần đây cũng tiết lộ, trong hơn 10 ngày tính từ thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, lượng hàng khẩu trang xuất đi của Việt Nam đạt tới 2,6 triệu USD (gần 60 tỷ đồng). Trong khi đó, lượng khẩu trang nhập về của Việt Nam thời gian này là 12,2 tỷ đồng, chỉ bằng 20% so với giá trị mặt hàng này nhập khẩu về nước.

Hưởng ưu đãi thuế nhập nhưng "ôm" hàng khẩu trang xuất khẩu có thể bị phạt?

Trong khi khẩu trang khan hiếm, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính ngày 7/2 mới ký Quyết định số 155/QĐ-BTC về việc miễn thuế nhập khẩu đổi với khẩu trang, nguyên liệu sản xuất khẩu trang và nước rửa tay sát trùng...

Tuy nhiên, đáng lo ngại như đã đề cập ở trên là mặt hàng này lại được xuất khẩu mạnh ra nước ngoài trong thời gian bùng nổ dịch.

Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan: “Khó có thể yêu cầu doanh nghiệp không được xuất khẩu khẩu trang bởi điều này không mang tính thị trường”. Hiện chưa rõ trị giá khai báo hàng khẩu trang tại các Chi cục Hải quan song chắc chắn sẽ chênh cao hơn nhiều so với giá bán trong nước. Bởi vậy mới có chuyện hàng khẩu trang trong nước xuất khẩu tăng đột biến trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, nếu cơ quan Nhà nước chứng minh được doanh nghiệp hưởng lợi về thuế nhập đối với hàng là nguyên liệu nhưng không thực hiện đúng mục đích tại Công văn số 197/TTg-KTTH ngày 7/2 có thể sẽ bị xử lý về theo diện sai phạm về thuế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Du lịch có thể mất 2-5 tỷ USD do dịch corona

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong báo cáo gửi Chính phủ đánh giá ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp đối với kinh tế Việt Nam cho biết, Covid-19 đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.

Nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỷ USD.

Trong kịch bản khống chế được dịch trong Quý I/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm %.

Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản trên.

Bộ KH&ĐT khẳng định:  “Qua đợt dịch Covid-19, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, đặc biệt là về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Do vậy, cần phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài”.

Nghị viện EU phê chuẩn EVFTA: Tin vui trong “cơn bão” dịch corona

Bất ngờ 36 tấn khẩu trang xuất khẩu trong bão dịch, xử lý ra sao? - 2

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gấp rút chủ trì họp báo về sự kiện

Theo tin chính thức từ Bộ Công Thương chiều nay (12/2), Nghị viện châu Âu chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Họp báo ngay sau sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Do vậy, Hiệp định sẽ giúp chúng ta có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.

GS.TSKH Võ Đại Lược nhận định: “Chúng ta đang tiến gần hơn tới việc mở cửa, bước vào thị trường lớn là châu Âu. Là một FTA thế hệ mới, Hiệp định được kỳ vọng là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Không chỉ là vấn đề thuế quan, đây là một hiệp định toàn diện bao gồm cả những vấn đề cải cách môi trường kinh doanh đầu tư, hoàn thiện thể chế...”.

Mai Chi (tổng hợp)