“Chính phủ đang nợ vấn đề chống đầu cơ BĐS”

(Dân trí) - Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, TS. Trần Du Lịch cho biết, ông sẽ chất vấn Chính phủ về các giải pháp tài chính chống đầu cơ BĐS. Theo ông, nếu không có được những giải pháp này, gốc vấn đề vẫn còn, thị trường tiếp tục có những tiêu cực.

Đánh giá cuối năm 2007 của Chính phủ thiên về thời cơ mà chưa lường hết những khó khăn, thách thức cho năm 2008. Vậy ở đây có vấn đề về năng lực cảnh báo, thưa ông?

Khả năng dự báo, chính Thủ tướng cũng đã thừa nhận là còn chưa tốt, nhưng về khách quan, cho tới nay, chưa có một tổ chức quốc tế nào dự báo được tình hình 2008 quốc tế tồi tệ và nghiêm trọng như thực tế vừa qua.

Không ai ngờ sự phá sản thị trường bất động sản Mỹ lại có ảnh hưởng đến tình hình tài chính thế giới chung như vậy. Cũng chưa bao giờ thị trường nhiên liệu, kim loại lương thực tăng cao - cao nhất trong 40 năm trở lại đây.

Tình hình thế giới nghiêm trọng nhất trong quý 1, không ai dự báo được. IMF cũng nói có mường tượng nhưng không hình dung hết và cũng không biết trả lời thế nào về sắp tới.

Nhưng chúng ta cũng có chủ quan trong điều hành, có sự lơi lỏng trong quản lý tín dụng và chưa dự kiến được dòng vốn đầu tư gián tiếp…

Chính phủ trong từng ngành đều có bộ trưởng, vậy trách nhiệm những vị bộ trưởng đứng đầu là đến đâu, tại sao lại để xảy ra tình trạng lạm phát. Người ta thấy Thủ tướng nhận lỗi hết mà không thấy bóng dáng bộ trưởng ở đâu.

Thủ tướng nêu năm nhóm vấn đề, bốn nhóm giải pháp là toa thuốc hoàn toàn đúng nhưng uống lúc nào, ở đâu, là vấn đề đang quan tâm. Lúc này kiểm soát giá cả là vấn đề sống còn.

Chính phủ đã phải trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, vậy theo ông có nên đặt ra một con số có sự dao động “kha khá”, thay vì một con số cố định?

Mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô nhưng cũng nên đặt ra một chỉ tiêu nào đó để làm sao phấn đấu huy động được tối đa nhiều nguồn lực. Không nên vì ổn định vĩ mô mà cứ buông trôi bởi khi buông tăng trưởng, sẽ phát sinh nhiều vấn đề xã hội.

Nhiều chuyên gia dự đoán chỉ số giá tiêu dùng của chúng ta trong năm 2008 - 2009 là 19 - 20%? Ông nói gì về con số này?

Tôi không dự đoán về chỉ số giá tiêu dùng. Tôi chỉ kỳ vọng năm nay con số này dưới 15%, năm tới dưới 10% và dần dà là 5 - 6%...

Chính phủ cam kết sẽ không tăng giá cho đến hết tháng 6 đối với một số mặt hàng như xăng dầu, điện, than… Ông nói gì về tình huống, những mặt hàng này tăng giá sau tháng 6?

Chính phủ cam kết không tăng giá dầu, nhưng hiện nay đang ở mức 120 USD, sắp tới nếu lên đến 150 USD/thùng không biết kinh tế thế giới sẽ đi đến đâu. Nhà nước sẽ không thể bù giá, bởi như vậy tạo ra vùng trũng, tạo buôn lậu.

Cam kết tháng 6 là để xem xét trong tương quan tình hình thế giới, còn sau đó có diễn biến mới sẽ tiếp tục đối phó. Chẳng hạn, giá dầu mà tăng đột biến, phải tính xem bù đến cỡ nào còn sẽ đưa ra thị trường. Trong trường hợp xấu, cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều phải cùng chia sẻ như Thủ tướng đã nhấn mạnh.

Nhưng xăng dầu là do khách quan không thể kiểm soát còn điện là có thể?

Hiện than bán cho ngành điện bằng nửa giá trong khi giá than tăng ghê gớm, dẫn đến xuất lậu.

Trong báo cáo của Chính phủ có đề cập hệ số ICOR (hệ số giữa mức tăng của đầu vào và đầu ra) của chúng ta cao hơn so với nhiều nền kinh tế khác ở thời kì phát triển tương đương. Lượng vốn đầu tư lớn, nhưng hiệu quả đạt được thấp đang là vấn đề bức xúc hiện nay, thưa ông?

Nếu các nước khác trong khu vực, cùng điều kiện như chúng ta, thì hệ số ICOR đầu tư của họ ở mức dưới 3 trong khi chúng ta ở mức 4,5, nghĩa là đồng vốn đầu tư của chúng ta kém hiệu quả hơn các nước trong khu vực tới 40% ở thời kì phát triển tương đương.

Thủ tướng cũng đã nêu vấn đề này ra, trong đó có hai nguồn đầu tư kém hiệu quả là từ ngân sách và từ doanh nghiệp nhà nước. Hai nguồn này chiếm tới gần 60% lượng đầu tư toàn xã hội nhưng hiệu quả thấp. Đây là điểm cần mổ xẻ thật kỹ, cắt giảm mạnh.

Việc cầm cương thị trường bất động sản cũng là vấn đề Chính phủ chưa làm được hiện nay?

Hiện Chính phủ đang nợ vấn đề tài chính trong bất động sản và chống đầu cơ trong thị trường này. Tôi sẽ chất vấn bao giờ chính phủ trình các giải pháp tài chính chống đầu cơ.

Nếu không làm được những điều này, gốc vấn đề vẫn còn và thị trường hiện đang đóng băng, sẽ tiếp tục như vậy... Quan điểm của tôi vẫn là chống đầu cơ đất hoang, chống đầu cơ chung cư... khiến không ai có kỳ vọng vào đầu tư nhà đất.

Xin cám ơn ông!

Cấn Cường