Chiến thuật M&A mới của các tập đoàn Trung Quốc

Khi nền kinh tế Trung Quốc (TQ) tiếp tục phát triển, các mối đe dọa mới cho trật tự kinh tế thế giới sẽ xuất hiện.

Chiến thuật M&A mới của các tập đoàn Trung Quốc - 1
Bank of China nằm trong số các ngân hàng có ảnh hưởng nhất thế giới

 

Một trong những thách thức mà TQ tạo ra là lợi thế toàn cầu của doanh nghiệp quốc doanh lớn. Với tham vọng tạo ra những tập đoàn toàn cầu một cách nhanh chóng, Bắc Kinh đã dốc tiền và lực hỗ trợ cho nhiều công ty quốc doanh.

 

Khoản hỗ trợ này lớn đến mức các công ty TQ có khả năng thay đổi toàn bộ các quy tắc cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Chỉ trong chưa đầy hai thập niên, các ngân hàng, công ty dầu khí đại lục chiếm phần lớn trong danh sách 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất khu vực.

 

Chẳng hạn, Công ty Dầu khí PetroChina giá trị vốn hóa thị trường 329,6 tỷ USD; Ngân hàng Industrial & Commercial Bank of China giá trị vốn hóa thị trường: 259,2 tỷ USD; Ngân hàng China Construction Bank giá trị vốn hóa thị trường: 238,3 tỷ USD; hay Công ty ZTE đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ tư thế giới sau LG, Samsung và Nokia.

 

Người ta quan niệm rằng luôn có một quan chức Trung Quốc đứng sau mỗi doanh nhân Trung Quốc.

 

Robert Hormats, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Năng lượng và Nông nghiệp tại Bộ Ngoại giao Mỹ, bình luận: “Không giống như các công ty nhà nước của Liên Xô cũ chỉ được hỗ trợ trong phạm vi trong nước, doanh nghiệp nhà nước TQ đang được đẩy đi toàn cầu. Đối mặt với môi trường chiến lược với sự cạnh tranh trong các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ lâu TQ đã xác định rằng: an ninh kinh tế không thể bị phụ thuộc vào sự bất thường của thị trường hay các gã khổng lồ phương Tây nên TQ phải giành được sự tiếp cận trực tiếp tới các nguồn tài nguyên chiến lược”.

 

Thế giới bên ngoài vẫn đang tự hỏi liệu TQ là một nước nghèo với rất nhiều người giàu, hay một nước giàu với rất nhiều người nghèo. Nhưng câu hỏi khác còn quan trọng hơn, đó là TQ là cái gì đó kiểu “thực dân mới”: TQ rượt đuổi, mua bán và cả trộm cắp công nghệ để nhanh chóng có được những tập đoàn toàn cầu hùng mạnh.

 

Tham vọng quá lớn biến TQ trở thành một quốc gia không tôn trọng luật và những công ty quốc doanh khổng lồ của TQ cũng gây lo ngại cho tất cả giới đầu tư. Kho dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh hiện đang gần tới ngưỡng 4 ngàn tỷ USD càng khiến lo ngại này lớn hơn.

 

Nhân cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, TQ ráo riết tìm cách thâu tóm tài sản châu Âu với giá rẻ tại châu Âu. Chẳng hạn, Bank of China đang quan tâm tới việc mua một phần của RBS.

 

Nhà sản xuất thiết bị máy móc Trung Quốc Shandong Heavy cũng dự kiến mua lại số cổ phần kiểm soát tại hãng sản xuất du thuyền Ý Ferretti với thỏa thuận trị giá 500 triệu USD. Hay tập đòan China Three Gorges chi 3,5 tỷ USD thâu tóm cổ phần của Chính phủ Bồ Đào Nha tại doanh nghiệp phụ trợ EDP...

 

Tính đến nay, các công ty TQ kiểm soát được đến 118 công ty ở châu Âu. Theo số liệu của Dealogic, một công ty tư vấn trụ sở tại London, các khoản đầu tư của TQ vào châu Âu chỉ đạt 853 triệu USD trong các năm 2003-2005, nhưng đã lên tới 43,9 tỷ USD trong giai đoạn 2008-2010.

 

Công ty tư vấn Rhodium (trụ sở tại New York) dự báo từ nay đến năm 2020, TQ sẽ đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các công ty nước ngoài.

 

Qua phân tích một số thương vụ mua bán mới đây của các công ty TQ cho thấy chiến lược mới của các công ty quốc doanh TQ trong chiến lược toàn cầu hóa: 1. Mua các tài sản vật chất như các mỏ dầu, hay tài nguyên thiên nhiên thay vì mua tài sản vô hình như nhãn hiệu; 2. Tìm kiếm các công ty và tổ chức sở hữu công nghệ và thiết bị R&D toàn cầu tiên tiến; 3. Sử dụng các công ty nước ngoài để củng cố vị thế của các công ty TQ trên thị trường trong nước.

 

“Chúng tôi đã chưa bao giờ đối phó với tình hình như hiện nay. Đó là một vấn đề nghiêm trọng”, báo cáo của Hội đồng châu Âu về Quan hệ đối ngoại nhận định về làn sóng thâu tóm của doanh nghiệp nhà nước của TQ.

 

Sự đầu tư của TQ không chỉ nhằm mục đích nắm bắt các thương hiệu hay hệ thống phân phối mà còn là sức mạnh công nghệ của châu Âu. “Đây là vấn đề về đầu tư, nhưng đằng sau là một chính sách chiến lược mà châu Âu phải đối phó bằng chính trị”, Bộ trưởng Nội vụ Đức Stefan Paris nhận định.

 

Theo Hà Cúc
Doanh Nhân Sài Gòn