Chiến lược tài chính quốc gia, đột phá với thanh toán điện tử

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 149/QĐ-TTg.

Chiến lược mới đã coi trọng áp dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hoá như một động lực để đột phá; đồng thời mở rộng cho nhiều thành phần doanh nghiệp tham gia, góp phần thúc đẩy phát triển nền tài chính toàn diện để mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý…

Hạn chế tiền mặt, phát triển thanh toán điện tử

Chiến lược tài chính mới đề ra, đến năm 2025 có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% -25% hàng năm.

Hướng tới mục tiêu đó, ứng dụng công nghệ, thanh toán điện tử là hướng đi chủ lực. Theo đó, phát triển các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số nhằm mở rộng cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí thấp, đặc biệt là qua điện thoại di động.

Với lợi thế công nghệ thanh toán điện tử, chiến lược đặt tham vọng, đẩy mạnh thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Chiến lược tài chính quốc gia, đột phá với thanh toán điện tử - 1

Đi cùng với đó là mở cơ hội cho các tổ chức công nghệ tài chính, tổ chức viễn thông tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính, trên cơ sở hợp tác và cạnh với các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng cũng sẽ hợp tác với các tổ chức công nghệ tài chính, tổ chức trung gian thanh toán phát triển các giải pháp công nghệ thanh toán mới dễ sử dụng, có chi phí thấp, thuận tiện và an toàn, phù hợp với các giao dịch thanh toán cá nhân.

Tiếp cận bản chiến lược này, một chuyên gia công nghệ bày tỏ ủng hộ với định hướng phát triển thanh toán điện tử, tạo cơ sở thanh toán không dùng tiền mặt. Vị này nhấn mạnh, chỉ có đa dạng hóa các đơn vị cung cấp, đa dạng hình thức thanh toán mới có thể cho phép đa số người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Các lĩnh vực cần đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt đối với người dân, doanh nghiệp như: thu, nộp thuế, phí, lệ phí, thu phạt hành chính, thanh toán hóa đơn định kỳ (điện, nước, viễn thông, học phí) hay chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt… hiện đã được thực hiện nhưng còn khá hạn chế, cần có thêm nhiều ứng dụng để mở rộng mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, các dịch vụ không dùng tiền mặt cần hướng đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa… chính việc mở rộng thanh toán điện tử cho nhiều doanh nghiệp tham gia sẽ là cánh tay nối dài để xóa các ‘vùng trắng’ như hiện nay.

“Đây chính là hiện thực hóa mục tiêu tài chính công bằng và toàn diện cho mọi người như chiến lược đề ra”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Mở cửa cho doanh nghiệp, tạo sân chơi bình đẳng trong thanh toán điện tử

Điểm đổi mới được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá, giúp khắc phục điểm hạn chế của phát triển thanh toán điện tử hiện nay về hạ tầng chuyển mạch thanh toán phù hợp với sự đa dạng dịch vụ và tốc độ ngày càng cao.

Cụ thể, chiến lược đề ra nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho hoạt động chuyển mạch tài chính, bù trừ điện tử theo hướng cho phép thêm các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung ứng dịch vụ nhằm tăng tính cạnh tranh, đảm bảo an ninh, an toàn, tăng hiệu quả xử lý, giảm phí giao dịch thanh toán, chuyển tiền cho người dân và doanh nghiệp.

Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc cho phép mở cửa, cho phép các doanh nghiệp tham gia chuyển mạch tài chính thanh toán bù trừ là điều rất phù hợp với Việt Nam hiện nay. Sự tham gia của tư nhân sẽ góp phần mở rộng hệ thanh toán quốc gia, tạo nền tảng đủ lớn cho phát triển dịch vụ không dùng tiền mặt hiện nay.

Hiện nay, tỷ lệ sử dụng tiền mặt trong thanh toán giao dịch hằng ngày của người dân còn khá cao ngoài việc người dân chưa chịu bỏ thói quen dùng tiền mặt thì có nguyên nhân từ sự kém đa dạng của các dịch vụ thanh toán cũng như độ phủ của các dịch vụ thanh toán tới nhiều khu vực có điều kiện chưa thuận lợi. Sự tham gia của nhiều doanh nghiệp mới sẽ có thêm nhiều nguồn lực, sự sáng tạo để khắc phục hạn chế này.

"Nếu bây giờ anh có bao nhiêu thẻ tín dụng, có bao nhiêu thẻ ghi nợ ngân hàng, có bao nhiêu ví điện tử mà ra ngoài chỗ nào cũng chỉ nhận tiền mặt thì cũng không thể thực hiện được chủ trương này một cách hoàn hảo. Vấn đề là làm sao thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân hiện nay. Phải nhiều đơn vị tham gia hơn, làm sao tạo thuận lợi để thúc đẩy tất cả những cửa hàng bán lẻ cũng phải tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, các phương tiện thanh toán hiện đại mới có thể đẩy mạnh chủ trương này", TS.Nguyễn Trí Hiếu nói.

Trong giai đoạn thanh toán điện tử ngày càng phát triển nhưng tại Việt Nam mới có một đơn vị tham gia vào lĩnh vực này sẽ rất khó để đáp ứng được nhu cầu. Các chuyên gia tài chính cho rằng việc mở rộng đơn vị cung cấp công nghệ là điều tất yếu. Điều này cũng sẽ giúp người dùng cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Các ứng dịch vụ lúc này cũng không còn bị giới hạn, phụ thuộc vào một đơn vị mà được mở rộng sang một tập hợp các doanh nghiệp fintech, tổ chức tài chính đủ điều kiện.

Với điểm đổi mới này, sẽ mở ra cơ hội huy động nguồn lực, sáng tạo đưa lĩnh vực thanh toán ở Việt Nam theo kịp xu hướng chung của thế giới. Từ đó, tạo nên một sân chơi cạnh tranh và bình đẳng cho các đơn vị tài chính hay fintech từ đó có thể giảm thiểu các chi phí và đa dạng dịch vụ thanh toán.

Theo kiến nghị của ông Hiếu, những công ty fintech, những doanh nghiệp sử dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại để kết nối thanh toán, đặc biệt là qua ứng dụng di động đóng một vai trò quan trọng trong thực hiện chiến lược này.

Với tốc độ đổi mới công nghệ, các loại hình thanh toán mới ngày càng nhiều, thói quen tiêu dùng cũng thay đổi nhanh hơn vì thế khách hàng cũng sẽ đòi hỏi cao hơn, đặc biệt về tốc độ giao dịch và phí. Nếu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển mạch vẫn chậm đổi mới, thanh toán không dùng tiền mặt khó có sự đột phá. 

Chính vì thế, các cơ quan chức năng sớm xây dựng 2 khuôn khổ pháp lý để thực thi chiến lược, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào chuyển mạch tài chính, thanh toán bù trừ tạo không gian rộng lớn cho phát các dịch vụ thanh toán hiện đại để người dân tiếp cận và sử dụng đại an toàn và hiệu quả… bắt nhịp với xu hướng tài chính hiện đại của thế giới.

An Hạ