"Chiến lược gia" Lý Xuân Hải: Nhân tố bất ngờ xuất hiện tại Coteccons

Mai Chi

(Dân trí) - Cổ phiếu CTD sáng nay bất ngờ hồi phục mạnh sau khi có thông tin ông Lý Xuân Hải là đại diện theo ủy quyền cho ông Talgat Turumbayev - Thành viên Hội đồng quản trị tại Coteccons.

 Cổ phiếu Coteccons “hồi sinh”

Sau chuỗi lao dốc thê thảm, đặc biệt là sau khi ông Nguyễn Bá Dương rời vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons, cổ phiếu CTD của tập đoàn này đã “hồi sinh” trở lại trong sáng nay (8/10).

CTD tăng 1.100 đồng tương ứng 1,82% lên 61.600 đồng, song vẫn chưa thể bù đắp được thiệt hại của những phiên trước. Chỉ trong vòng 1 tuần qua, CTD đã giảm gần 11% và giảm hơn 17% trong vòng 1 tháng.

CTD hồi phục mạnh sau khi có thông tin cho biết, ông Lý Xuân Hải là đại diện theo ủy quyền cho ông Talgat Turumbayev - Thành viên Hội đồng quản trị Coteccons. Ông Talgat là một trong hai đại diện của Kusto Group tại Coteccons.

Chiến lược gia Lý Xuân Hải: Nhân tố bất ngờ xuất hiện tại Coteccons - 1

Ông Lý Xuân Hải

Ông Lý Xuân Hải là một doanh nhân rất nổi tiếng trong giới tài chính và kinh doanh ở Việt Nam. Ông Hải có trình độ tiến sĩ chuyên ngành vật lý và toán học. Ông Hải gắn bó với ngành ngân hàng và từng là Tổng giám đốc Ngân hàng ACB trước khi bị truy tố và lãnh án tù trong vụ án Bầu Kiên năm 2012.

Sau khi tại ngoại hồi đầu tháng 3/2017, ông Lý Xuân Hải làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tơ lụa Bảo Lộc và sau đó được ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) mời về làm Trưởng ban Chiến lược tại Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Tại Coteccons, sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương là một bước ngoặt lớn với tập đoàn này. Ông Dương là nhà sáng lập và cũng là lãnh đạo, người điều hành tập đoàn trong suốt gần 2 thập kỷ qua.

Chiến lược gia Lý Xuân Hải: Nhân tố bất ngờ xuất hiện tại Coteccons - 2

Ông Nguyễn Bá Dương gửi "tâm thư" cho nhân viên Coteccons sau khi rời ghế lãnh đạo tập đoàn này

Trong thư gửi nhân viên Coteccons, ông Dương đã động viên các nhân viên cũ bước ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận rủi ro, đương đầu với thách thức để học cách đi nhanh hơn.

Chiến lược gia Lý Xuân Hải: Nhân tố bất ngờ xuất hiện tại Coteccons - 3

Diễn biến cổ phiếu CTD trong vòng 1 tháng qua

“Chưa có dấu hiệu bán tháo”

Về thị trường chứng khoán, các sàn giao dịch đều tiếp tục gặp khó trong phiên sáng nay. Các chỉ số dùng dằng quanh ngưỡng tham chiếu và hiện tạm kết ở trạng thái giảm.

VN-Index đánh mất 2,41 điểm tương ứng 0,26% còn 917,31 điểm; HNX-Index mất 0,98 điểm tương ứng 0,72% còn 135,15 điểm và UPCoM-Index mất 0,44 điểm tương ứng 0,69% còn 63,51 điểm.

Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 268,59 triệu cổ phiếu tương ứng 4.294,36 tỷ đồng; trên HNX đạt 39,51 triệu cổ phiếu tương ứng 499,7 tỷ đồng và trên UPCoM là 13,92 triệu cổ phiếu tương ứng 201,18 tỷ đồng.

Toàn thị trường vẫn còn 921 mã không hề có giao dịch nào diễn ra. Trong khi đó, bức tranh thị trường bao trùm sắc đỏ. Có 444 mã giảm, 16 mã giảm sàn so với 226 mã tăng, 31 mã tăng trần.

MSN tăng 1.200 đồng lên 63.100 đồng trong khi VCF tiếp tục tăng trần lên 238.600 đồng sau thông tin chia cổ tức “khủng”. MWG tăng 1.100 đồng lên 108.700 đồng. GAS, MBB, FPT, PNJ cũng tăng và đều đóng góp tích cực cho chỉ số chính.

VNM, VCB, VIC, BID, VRE, TCB, VPB giảm nhưng mức giảm không lớn nên không tác động nhiều lên VN-Index.

Về thanh khoản, ITA tiếp tục là mã được giao dịch mạnh mẽ nhất trên thị trường. Khớp lệnh tại mã này lên tới 18,98 triệu đơn vị và ITA cũng đã tăng lên 5.310 đồng. Tương tự, ROS tăng lên 2.430 đồng và khớp 10,32 triệu đơn vị.

Kịch bản điều chỉnh của thị trường đã được Yuanta Việt Nam (YSVN) dự đoán từ trước. YSVN cho rằng, thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong phiên kế tiếp và VN-Index có thể sẽ gặp khó khăn tại vùng kháng cự 920 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng nhẹ, đặc biệt tâm lý ngắn hạn đang dần thận trọng hơn cho nên áp lực điều chỉnh ngắn hạn vẫn còn cao.

Tuy nhiên, nhóm phân tích đánh giá các rủi ro ngắn hạn hiện tại chủ yếu đến từ hoạt động chốt lời khi dư địa tăng trưởng của nhiều cổ phiếu đã không còn nhiều và nhận thấy thị trường chưa có dấu hiệu bán tháo.