1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chiến lược đường dài của MB

Ngày 29/3 tới, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã MBB) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Năm nay, chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận của ngân hàng dự kiến đạt 6.800 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 44% so với 2017.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ năm 2017 có kiểm toán, thực hiện bởi Công ty TNHH KPMG, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã MBB) đã có được sự bứt phá ấn tượng về kết quả kinh doanh và sự tăng trưởng mạnh mẽ của giá cổ phiếu.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, đến cuối năm 2017, MB có tổng tài sản (hợp nhất) đạt 313.878 tỷ đồng, trong đó 182.062 tỷ đồng là cho vay khách hàng sau trích lập dự phòng rủi ro, 53.497 tỷ đồng số dư tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng; 6.683,7 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước.

Chiến lược đường dài của MB - 1

Điểm đặc biệt chú ý là, các khoản lãi, phí phải thu của Ngân hàng chỉ hơn 2.840 tỷ đồng, rất nhỏ so với quy mô gần 20.000 tỷ dồng thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự mà MB hạch toán. Con số này phản ánh chất lượng các khoản tín dụng và chất lượng thu nhập của MBBank ở mức rất cao.

Năm 2017, MB đạt 5.355 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trên báo cáo tài chính riêng lẻ. Con số này tăng rất mạnh so với năm 2016 là 3.711 tỷ đồng. Trên báo cáo tài chính hợp nhất, do khoản lợi nhuận từ thoái một phần sở hữu tại MCredit (615 tỷ đồng) không được hạch toán vào kết quả kinh doanh mà phản ánh thẳng trên thay đổi vốn chủ sở hữu, nên lợi nhuận hợp nhất của MB năm 2017 không phản ánh hết phần gia tăng lợi ích thực nhận của cổ đông. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng vẫn rất lớn, đạt 4.615 tỷ đồng năm 2017 so sánh với 3.650 tỷ đồng năm 2016.

Với tỷ lệ nợ xấu 1,20% tổng dư nợ, hệ số an toàn vốn (CAR) gần 12% - nếu tính theo Basel II là trên 9%; MB là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất hiện nay.

Dù có đạt được kết quả ấn tượng trong năm qua, vị trí dẫn đầu lợi nhuận top 3 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đã có sự thay đổi. Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhắc tới MB là nhắc tới ngân hàng "dẫn đầu" của nhóm cổ phần tư nhân. Tuy nhiên, từ năm 2016 tới nay, hai ngân hàng khác mới nổi lên là VPBank và Techcombank đã vượt qua MB để trở thành những ngân hàng có lợi nhuận hợp nhất cao nhất trên thị trường.

Và năm 2018, một số thành viên như Techcombank, VPBank đã lần lượt đặt chỉ tiêu lợi nhuận lần lượt 10.000 tỷ đồng và 10.800 tỷ đồng. Còn với MB, chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm nay dự kiến 6.800 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 47% so với 2017 (lợi nhuận của riêng ngân hàng khoảng 6.500 tỷ đồng)

Chia sẻ với báo giới, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB cho biết: Nếu nhìn vào cả một giai đoạn 5 năm - 10 năm thì sẽ thấy MB vẫn có tổng lợi nhuận tốt hơn, và ngân hàng chỉ đang chững lại chứ không phải bị bỏ lại phía sau hoặc "bình chân như vại" như một số người vẫn nghĩ.

"Chúng tôi có chiến lược riêng. Vị trí lợi nhuận MB có thể một vài năm không ở vị trí dẫn đầu, nhưng chiến lược đường dài đảm bảo luôn hiệu quả và bền vững. MB tăng trưởng hàng năm tương đối cao, nhưng không dồn ép để có tốc độ tăng trưởng cao. Không phải MB không tạo được những con số đột biến, nhưng con đường của chúng tôi chọn cách đi vững, đầu tư cho kế hoạch dài hơi hơn", ông Lưu Trung Thái lý giải.

"Chiến lược riêng", theo ông Thái, nếu như VPBank đang chọn mô hình tài chính tiêu dùng trong khi Techcombank tập trung vào bán lẻ thì MB lại chọn con đường ít rủi ro và vững chắc.

Trong bối cảnh này, MB muốn phát triển theo chiến thuật 1+6 tức là cùng phát triển ngân hàng và 6 công ty thành viên một cách vững chắc, phát triển đồng bộ tập đoàn để từ đó đem đến lợi nhuận cao nhất. Các ngân hàng khác họ đặt trọng tâm vào một mảng lớn hơn và mô hình công ty mẹ con cũng mỏng hơn, còn MB muốn có sự ổn định để trong mọi trường hợp, kể cả xấu nhất thì các công ty con có thể gánh vác cùng ngân hàng mẹ và ngược lại.

Với hướng đi riêng, tư duy lãnh đạo và điều hành của MB cũng có sự thay đổi lớn trong kinh doanh. Theo đó, ngân hàng cũng đang thay đổi tư duy khi lập hẳn một khối mới để phục vụ nhóm khách hàng mới là những người trẻ gần gũi với công nghệ. Hiện ngân hàng đã có lực lượng kinh doanh riêng, sản phẩm riêng, cơ chế phục vụ riêng cho nhóm khách hàng này, cơ bản là dựa trên mô hình trực tuyến để khách hàng sử dụng dễ dàng hơn, kết nối tiện lợi hơn. Các mô hình này chủ yếu đang đầu tư và thử nghiệm và MB hi vọng sẽ phát huy tác dụng, tức sinh lời 3 - 5 năm tới.

Box: Trong các báo đánh giá về triển vọng MB năm 2018, các công ty chứng khoán đều cho rằng, MB có thể sẽ tăng mạnh lợi nhuận trong năm nay, với mức dự báo của VN-Direct là hơn 56%. Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thì cho rằng, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2018 của MB có thể đạt 57,4%, và với triển vọng rất tích cực này, SSI gần đây đã nâng giá mục tiêu cổ phiếu MBB lên mức 42.000 đồng/cổ phiếu.

P. Anh