Chiêm ngưỡng "báu vật" tiền tỷ dưới chân cầu Thăng Long
(Dân trí) - "Báu vật" này là một cây sanh cổ quý hiếm được ông Phùng Quốc Tình (Quận Bắc Từ Liêm) theo đuổi gần một thập kỷ mới có duyên mua được.
Vườn cây cảnh của ông Phùng Quốc Tình dưới chân cầu Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được giới chơi cây cảnh đánh giá thuộc top những vườn cây giá trị ở Hà thành. Bởi khu vườn có rất nhiều tác phẩm quý được ông dày công sưu tầm trong nhiều năm, trong đó, nhiều cây có giá trị lên đến tiền tỷ.
Trong những tác phẩm giá trị, độc đáo, không đụng hàng với bất kỳ một cây nào là tác phẩm sanh cổ có tên "Chân quê".
Ông Nguyễn Gia Thọ Chủ tịch Hội Sinh cảnh Hà Nội cho biết, đây là tác phẩm quý, bất cứ ai bước vào vườn đều phải chú ý, ngắm nó đầu tiên bởi cây nhìn rất gần gũi, gợi nhớ tới hình ảnh làng quê vùng nông thôn Việt Nam.
"Cây sanh cổ có dáng thể độc lạ, chỉ có thiên nhiên tạo tác theo năm tháng mới có được. Tác phẩm đặt ở bất kỳ khung cảnh nào dù biệt thự nhà vườn hay khuôn viên nhà cổ đều đẹp bởi bố cục rất hài hòa từ bệ rễ lên bông tán", ông Thọ nói.
Kể về nguồn gốc cây sanh cổ, ông Tình cho biết, ông mới sở hữu tác phẩm được một thời gian. Trước đó, biết cây gần 10 năm nay ở trong miền Nam nhưng nhiều lần ông đều không mua được. Mãi đến năm ngoái, ông mới có duyên sở hữu và rước được cây ra Bắc. Nhìn cây rất gần gũi nên tôi đặt tác phẩm với cái tên "chân quê".
"Cây sanh có tuối đời gần 100 năm, cây thuộc dòng sanh quê Phúc Am có nguồn gốc từ Ninh Bình, đây là dòng sanh rất quý. Hình dáng bệ rễ ôm hai chiếc ghế hoàn toàn tự nhiên chứ không có tác động của con người, theo thời gian rễ biến thành thân ông ôm lấy hai chiếc ghế. Chính vì vậy, nhìn tác phẩm cũng giống như một chiếc ghế", ông Tình chia sẻ.
Nói về giá trị tác phẩm, ông Vương Xuân Nguyên, chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho biết, tác phẩm mang đậm dấu ấn thời gian. Bộ mâm rễ ôm lấy ghế rất hài hòa và tỷ lệ chuẩn với bông tán nên không thể có cây thứ hai. "Đã là "báu vật" thì có thể coi là vô giá nhưng giá trị thật ít nhất cũng phải tiền tỷ", ông Nguyên nhận xét.
Cùng Dân trí chiêm ngưỡng tác phẩm sanh quê Phúc Am - "báu vật" tiền tỷ dưới chân cầu Thăng Long: