Chỉ thị 03 và những áp lực thay đổi từ thị trường

(Dân trí) - "Trên thế giới, ngoài Việt Nam, chỉ có mỗi một nước là Ấn Độ hạn chế tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán không được vượt quá 5% tổng tài sản..." - tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết.

Ngay từ trước khi ban hành cho đến khi đã đi vào thực hiện, Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN về việc kiểm soát quy mô, chất lượng tín dụng và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán vẫn là tâm điểm bàn luận của thị trường trong suốt hai tháng nay.

 

Được ban hành với mục đích kiềm chế lạm phát, và giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng, nhưng cũng xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng chỉ thị này cũng là một trong những nguyên nhân đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam vào sự trầm lắng trong một thời gian dài.

 

Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, vụ trưởng Vụ Chiến lược – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - dường như cũng chia sẻ quan điểm này trong cuộc trò chuyện với Dân Trí: “Không một thể chế pháp lý nào không có khuyết tật. Nhưng thể chế mạnh là sửa chữa ngay các khuyết tật của mình khi khủng hoảng xảy ra, còn thể chế yếu kém là đợi khủng hoảng giáng một đòn chí mạng, “máu me đầy mình” mới chịu sửa chữa”.

 

Thưa ông, việc hạn chế hệ thống ngân hàng thương mại cho vay chứng khoán dưới 3% dư nợ là một trường hợp đặc biệt của Việt Nam?

 

Trên thế giới, ngoài Việt Nam, chỉ có mỗi một nước là Ấn Độ đưa ra tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán không được vượt quá 5% tổng tài sản. Nên nhớ là 5% tổng tài sản chứ không phải 5% tổng dư nợ, tức là nó to hơn nhiều. Tất cả các nước còn lại  đều không cấm. Thay vào đó, từng ngân hàng một sẽ tự đưa ra các quy định để quản lý đối với cho vay kinh doanh chứng khoán.

 

Ví dụ, thưa ông?

 

Chẳng hạn, lãi suất cho vay kinh doanh chứng khoán phải cao hơn lãi suất cho vay thông thường. Đương nhiên là nếu rủi ro cao thì lãi suất phải cao. Cách thứ hai, từng mã cổ phiếu được quy định từng tỷ lệ cho vay khác nhau, tuỳ theo thứ tự xếp hạng. Ví dụ, một mã cổ phiếu tốt, ngân hàng có thể cho vay tới 85% giá trị tài sản thế chấp, nhưng ngược lại một mã cổ phiếu xấu, ngân hàng chỉ cho vay khoảng 30%. Cách thứ ba, Ngân hàng Trung ương sẽ đưa ra những quy định về trích lập dự phòng rủi ro. “Anh” cứ cho vay kinh doanh chứng khoán, nhưng cho vay 1 đồng thì cũng phải bỏ vào quỹ dự phòng rủi ro 1 đồng. Cách thứ tư, Ngân hàng Trung ương sẽ kiểm tra đánh giá, ngân hàng nào nào quản trị rủi ro tốt thì cứ cho vay vô tư, nếu quản trị rủi ro kém thì Ngân hàng Trung ương có thể dừng bất cứ lúc nào.

 

Nhưng hiện nay, có tin nói các ngân hàng cho vay chứng khoán với tỷ lệ lớn hơn?

 

Theo khảo sát của chúng tôi tại 15 ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán nói chung du di  từ khoảng 10 – 25% tổng tài sản. Lẽ ra Chỉ thị 03 phải được sửa đổi theo hướng đó. Một là tạm thời giãn thời gian thu hồi vốn cho các nhà đầu tư, các ngân hàng. Đồng thời anh phải làm ăn cho bài bản, phải nghiên cứu và chỉnh sửa nó, tham khảo thông lệ quốc tế như tôi vừa trình bày.

 

Cách thức quản lý của chúng ta theo lối giật cục, lúc cần đưa ra các biên pháp thì không đưa, tới chừng thấy nước sôi lửa bỏng rồi mới tạo ra một cú sốc để giảm thiểu.

 

Qua khảo sát của ông ở 15 ngân hàng, rõ ràng Chỉ thị 03 có khuyết tật và hình như nó không nên còn hiệu lực?

 

Chỉ thị 03 đương nhiên có hiệu lực nên thị trường chứng khoán mới như thế này. Chỉ có điều nó không phù hợp ...

 

Xin cám ơn ông.

 

Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình.

“Chính phủ nên tiếp tục cải cách kinh tế với những chính sách mềm dẻo và uyển chuyển hơn nữa cũng như không nên quá lo lắng. Tất nhiên tâm trạng lo lắng của cơ quan quản lý vĩ mô là điều dễ hiểu, nhưng tôi nghĩ rằng tiềm năng của thị trường vốn còn rất lớn và Chính phủ nên có những chính sách cụ thể để các định chế trong thị trường này hoạt động tốt hơn. Trường hợp Chỉ thị 03 vừa qua đã làm nội lực trong nước hạn chế lại”.

 

Việt Dũng (thực hiện)