1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chỉ số kinh doanh Việt Nam tiếp tục sụt giảm

(Dân trí) - Theo nhận xét của các doanh nghiệp châu Âu, chỉ số kinh doanh Việt Nam đã giảm 11 điểm trong 12 tháng, thể hiện sự sụt giảm lòng tin vào Việt Nam ở khía cạnh điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Chỉ số kinh doanh Việt Nam tiếp tục sụt giảm
Về cái nhìn trung hạn, doanh nghiệp châu Âu vẫn thể hiện sự lạc quan đối với những cải thiện gần đây về sự ổn định tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) vừa công bố kết quả khảo sát chỉ số kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam quý IV/2012.

Theo đó, kết quả đợt khảo sát lần thứ 9 này cho thấy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tiếp tục giảm.

Chỉ số kinh doanh trong quý này đã đạt mức thấp với 45 điểm. Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham đánh giá, tình trạng giảm 11 điểm về chỉ số kinh doanh suốt 12 tháng qua “chỉ ra sự sụt giảm lòng tin vào Việt Nam như là một điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu”.

“Chúng tôi vẫn hy vọng rằng những phát triển gần đây như việc bắt đầu đàm phán hiệp định thương mại tư do (FTA) giữa Việt Nam và EU sẽ khuyến khích Việt Nam cải thiện sức cạnh tranh, sức hấp dẫn và phục hồi lại sự sụt giảm của môi trường kinh doanh” - ông Preben nói.

So với kết quả khảo sát gần đây nhất, mức đánh giá tích cực về tình hình kinh doanh hiện tại tiếp tục tụt giảm từ 30% xuống còn 26%. Hơn 1/3 doanh nghiệp tiếp tục có đánh giá tiêu cực về tình hình hiện tại.

Triển vọng kinh doanh tiếp tục có xu hướng giảm. 35% phản hồi đánh giá tình hình kinh doanh của là “không tốt” hoặc “rất kém”. Còn những đánh giá triển vọng kinh doanh “tốt” hoặc “rất tốt” thì lại giảm từ 31% từ quý trước xuống còn 26%.

Chỉ số kinh doanh Việt Nam tiếp tục sụt giảm

Tuy nhiên, điều thú vị là khi được hỏi về kế hoạch đầu tư trong năm 2012 thì có sự gia tăng trong lượng phản hồi về kế hoạch tăng đầu tư của những doanh nghiệp tham gia khảo sát lần này.

So với quý trước số phản hồi trong câu hỏi này tăng 7 điểm lến đến 39%. Ngoài ra cũng có sự sụt giảm trong số doanh nghiệp có ý định giảm “căn bản” đầu tư trong năm 2012 – chỉ còn 13% giảm từ mức 20% so với quý trước.

EuroCham cho rằng, điều này thể hiện sự thay đổi trong các kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp về đầu tư tại Việt Nam. Số doanh nghiệp muốn duy trì mức đầu tư hiện tại chiếm khoảng 32%, cho thấy sự lạc quan trung hạn liên quan đến những cải thiện gần đây về sự ổn định tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.  

Tại các doanh nghiệp châu Âu, lo ngại về lạm phát ở Việt Nam vẫn còn ở mức cao với 50% doanh nghiệp cho rằng lạm phát có tác động căn bản đến công việc kinh doanh của họ trong trung hạn. Đồng thời cũng thể hiện  sự bi quan về triển vọng kinh tế vĩ mô.

Khi được hỏi về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong vòng 6 tháng tới, 72% phản hồi cho rằng tiếp tục thấy sự suy giảm của một nền kinh tế vốn đã khó khăn. Mức này tăng 12 điểm so với quý trước và điều đó cho thấy các biện pháp ổn định nền kinh tế không làm giảm bớt sự lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô. Thực tế cho thấy chỉ 28% doanh nghiệp nghĩ rằng tình hình sẽ được ổn định và cải thiện dần dần.

EuroCham cho biết, các doanh nghiệp thể hiện do có sự lo ngại về tình hình ngân hàng. Đồng thời, cũng cho thấy những lo lắng đến từ tác động của việc tăng thuế, các mức phạt và thanh tra chính thức.

Hơn một nửa doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát thuộc ngành công nghiệp dịch vụ, 1/3 thuộc ngành sản xuất, còn lại là thương mại và các ngành khác.

Bích Diệp