Chỉ số giá tiêu dùng tăng … chậm lại
(Dân trí) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy tốc độ tăng giá đã chậm lại so với tháng trước. Với mức tăng chung đạt 0,75%, nhóm có tốc độ tăng cao nhất là nhà ở và vật liệu xây dựng (+ 1,38%).
CPI đang có dấu hiệu tích cực.
Theo công bố từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước trong tháng 3 tăng 0,75% so với tháng 2, với 10 nhóm mặt hàng tăng. Trong đó, nhóm có tốc độ tăng chỉ số giá cao nhất là nhà ở và vật liệu xây dựng (+ 1,38%).
Nhóm có quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng mạnh thứ hai, với mức 1,03%. Hai nhóm nhỏ là thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức tăng tương ứng 1,5% và 1,75%; riêng nhóm nhỏ lương thực giảm 0,9%.
Đứng thứ ba trong nhóm hàng tăng giá tháng này là giao thông (+0,92%). Các nhóm như: thiết bị và đồ dùng gia đình, thuốc và dịch vụ y tế, văn hóa - giải trí và du lịch… có mức tăng từ 1,15% đến 0,56%.
Nhóm có mức giảm duy nhất trong tháng này là bưu chính viễn thông, giảm 0,2%.
Với những con số trên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 đã tăng chậm lại so với tốc độ tăng chóng mặt của tháng 2 (tăng 1,96%). So với tháng 12/2009, chỉ số giá tháng 3 tăng 4,12%; còn so với cùng kỳ năm 2009 tăng 9,46%. Và tính bình quân quý 1/2010, CPI đã tăng 8,51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù tăng chậm lại so với tháng trước, nhưng CPI tháng 3/2010 lại có mức tăng khá cao so với cùng kỳ trong các năm gần đây. Còn nhớ, CPI tháng 3/2009 giảm 0,17%; tháng 3/2007 giảm 0,2%; tháng 3/2006 giảm 0,5%; tháng 3/2005 tăng 0,1%. CPI tháng 3 năm nay chỉ thấp hơn tháng 3/2008 (+2,99%), là năm có lạm phát lên tới 9,5%.
Cũng trong tháng 3, chỉ số giá vàng và USD đều tăng; trong đó giá vàng tăng 1,21% so với tháng trước, giá USD tăng 1,28%.
Tính theo địa phương, Hải Phòng có mức tăng chỉ số giá 0,93%, Khánh Hòa: 0,9%, An Giang: 0,84%, Thừa Thiên Huế: 0,77%. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM có mức tăng lần lượt là 0,75% và 0,78%.
Các nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến CPI tháng này phải kế đến là do giá xăng tăng 590 đồng/lít ngày 21/2; giá cước taxi tăng bình quân khoảng 500 đồng/km, giá vận chuyển ở hầu hết các doanh nghiệp cũng tăng; nhiều mặt hàng thuốc tây tăng giá; giá gas tăng bình quân 3%, giá thép tăng bình quân 3%; giá sữa tăng từ 8 - 10%...
Trước những yếu tố “đe dọa” tới mặt bằng giá trong thời gian tới, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại tại Hà Nội đang lên kế hoạch tích trữ hàng hóa, nhằm bình ổn thị trường và giữ chân người tiêu dùng. Ông Pascal Billaud, Tổng Giám đốc Siêu thị Big C cho biết: “Sức mua tại siêu thị khá ổn định, giá cả các mặt hàng không có sự xáo trộn.
Hiện tại Big C chưa nhận được “lời đề nghị” tăng giá nào từ nhà sản xuất và cung ứng hàng hóa nhưng trước áp lực tăng giá nguyên liệu đầu vào và việc giá điện, xăng dầu tăng thời gian qua có thể dẫn tới điều chỉnh giá trong tương lai”.
Theo ông Pascal Billaud, phát triển hệ thống hậu cần, tiết kiệm chi phí vận chuyển là một trong những cách mà siêu thị này làm nhằm đem đến mức giá hợp lý cho người tiêu dùng. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn có kịch bản đối phó trong những đợt giá hàng hóa tăng, đó là chính sách trữ hàng phải hoạt động tối đa nhất. Ngoài ra, siêu thị còn áp dụng chính sách cam kết thu mua hàng hóa với số lượng lớn và ứng trước một phần vốn để nhà cung cấp giảm áp lực về tài chính”.
Còn theo đại diện một chuỗi siêu thị tại Hà Nội, họ rất thận trọng và xem xét kỹ lưỡng trước những đơn hàng đòi tăng giá của nhà cung cấp. “Đúng là giá xăng dầu tăng, điện tăng là cái cớ cho nhà cung cấp yêu cầu điều chỉnh giá bán, nhưng chúng tôi vẫn luôn nói với họ rằng: Trong giá thành sản phẩm, xăng chỉ là một yếu tố nhỏ như nguyên vật liệu đầu vào cấu thành nên giá sản phẩm.
Mặt khác, người tiêu dùng cũng nên có thái độ cứng rắn đối với những sản phẩm tăng giá bất hợp lý, bởi nhiều mặt hàng made in Vietnam hiện nay cũng tốt không kém gì hàng nhập ngoại”, vị đại diện này nói.
An Hạ