Chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,53% do giá thịt lợn giảm kỷ lục
(Dân trí) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2017 giảm 0,53% so với tháng trước, nguyên nhân được cho là do giá của hàng loạt nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống, giá thịt lợn tươi sống bị giảm, đã tác động mạnh mẽ đến giá tiêu dùng.
Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) vừa công bố chỉ số CPI tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017, theo đó CPI tháng 5/2017 giảm 0,53% so với tháng trước. Tuy nhiên, do CPI 4 tháng trước tăng nên CPI bình quân 5 tháng qua vẫn tăng 4,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Trong đó CPI tháng 5/2017 tăng 0,37% so với tháng 12/2016 và tăng 3,19% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hoá, dịch vụ có tác động đến CPI, có 4 nhóm hàng giảm so với tháng 4 là: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,43% (lương thực giảm 0,06%; thực phẩm giảm 2,27% do giá thịt tươi sống giảm, tác động làm CPI giảm 0,51%).
Nhóm hàng giao thông giảm 0,34% do trong tháng có 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu tại thời điểm 5/5/2017 và 20/5/2017. Việc giảm giá xăng đã khiến giá nhiên liệu giảm 0,71%, tác động làm CPI giảm 0,03%.
Tiếp theo là nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,02%. Hai nhóm hàng này vẫn có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay, nhưng mức giảm không đáng lo ngại.
Còn 7/11 nhóm hàng khác tăng điểm, trong đó phần lớn thuộc lĩnh vực dịch vụ như: Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; giáo dục tăng 0,02%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%.
CPI tháng 5/2017 được Tổng cục Thống kê công bố giảm so với tháng trước phần nào làm yên lòng giới chuyên gia về khả năng xảy ra lạm phát trong ngắn hạn khi khá nhiều hàng hoá, dịch vụ thiết yếu trong 4 tháng qua tăng cao: xăng dầu, dịch vụ y tế và giáo dục.
Đáng nói, các nhóm hàng hoá, dịch vụ thì nhóm dịch vụ y tế được cho sẽ tăng mạnh nhất trong quý II do từ ngày 1/6/2017, giá dịch vụ y tế sẽ tăng gấp 4 lần so với trước đây. Trong khi đó, giá điện đã và đang được tính toán điều chỉnh tăng theo lộ trình tăng giá được Chính phủ nghiên cứu. Giá xăng dầu có nhiều biến động thất thường do người dân đang phải chi trả thêm phí môi trường vào xăng dầu.
Mặc dù CPI tháng 5 giảm so với tháng trước nhưng theo nhận định của các chuyên gia việc giảm CPI chỉ nhất thời do giá dịch vụ ăn uống, thực phẩm giảm. Còn các nguy cơ khiến gia tăng CPI và lạm phát trong các tháng tiếp theo vẫn còn, đáng chú ý là hai nhóm dịch vụ: y tế và giá điện (mùa nắng nóng...)
Về mức lạm phát cơ bản, trong tháng 5/2017 lạm phát cơ bản (ngoài trừ các yếu tố giá cả hàng hoá) đã tăng 0,08% so với tháng trước và tăng 1,33% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm 2017 tăng 1,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Bối cảnh CPI giảm có liên quan mật thiết đến giá thịt lợn hơi, xuất chuồng của Việt Nam giảm rất mạnh từ cuối năm 2016 lan sang quý I và 2 tháng đầu của quý II/2017. Thời gian qua, các bộ, ban ngành của Việt Nam đang phải nỗ lực giải cứu đàn lợn thịt nuôi trong nước khi giá xuất chuồng của lợn hơi giảm kỷ lục trong vòng 30 - 40 năm qua.
Mức giá thấp nhất của thịt heo là khoảng 20.000 - 26.000 đồng/kg, mức giá thịt lợn hơi xuất chuồng hiện tại đã nhích tăng từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đây vẫn là mức giá thấp, người nuôi vẫn chịu lỗ và hòa vốn.
Việc giảm giá thịt lợn đã khiến người tiêu dùng tăng mua thịt lợn, giảm mua các loại thực phẩm khác, khiến giá nhiều loại hàng ăn uống, thực phẩm tươi sống khác trong thời gian qua đã giảm mạnh do cung tăng, cầu giảm.
Nguyễn Tuyền