Chỉ quanh quẩn ở châu Á thì không bao giờ có "ô tô Việt"

(Dân trí) - Dành lời khuyên cho doanh nghiệp ô tô, vị chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí cho rằng nên kiên trì với dòng xe tải, xe buýt và nếu làm xe con thì "nếu chỉ quanh quẩn châu Á sẽ không bao giờ có".

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại hội thảo Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam sáng 12/10, ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) khẳng định: "Việt Nam muốn có ô tô là ý chí quốc gia chứ không phải là ý chí của riêng doanh nghiệp. Chúng ta phải biết xây dựng và bảo vệ thị trường vì thị trường là tiền, là túi tiền quốc gia".

Theo ông Long, thị trường ô tô Việt Nam 20 năm qua "trầy trật" có nguyên nhân khách quan là GDP thấp, đường xá chưa ổn nhưng trong tương lai sẽ tốt hơn. Do đó, nên có nghiên cứu tại sao công nghiệp ô tô thất bại sau 20 năm và 20 năm tiếp sẽ phải khắc phục như thế nào.

Nói về hướng đi cho ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam, ông Long cho rằng: "Thị trường đó ta nhìn nhận thế nào để vào cuộc chơi? 20 năm qua, chúng ta cho rằng, FDI hỗ trợ công nghiệp ô tô, theo tôi là không có đâu. Chúng ta phải có hướng đi để giữ được thị trường trong nước. Hay như công nghiệp hỗ trợ cho ô tô cũng đừng có hi vọng cái gì cũng làm, phải lựa chọn, phải tham gia mạng lưới toàn cầu, dùng 1 ít ở Việt Nam, 1 ít xuất khẩu".

Ông cũng cho rằng: "Nếu như các nhà sản xuất ô tô Việt Nam kiên trì với xe buýt, xe tải thì sẽ khả dĩ hơn dòng xe con" và dẫn chứng trường hợp Vinaxuki trước kia làm xe tải thì sẽ sống được nhưng họ lại chết vì làm xe con hay như nhiều nhà sản xuất trong nước khác cũng đang sống nhờ phát triển dòng xe buýt, xe tải.

"Phải căn cứ thị trường, vào sự cạnh tranh quyết liệt của các tập đoàn ô tô thế giới. Anh muốn nội địa hóa xe buýt, xe tải thì được nhưng sang đến xe con, nếu các ông chủ bên kia cung cấp động cơ chưa cho thì không được", ông Long nói.

Bình luận về câu chuyện làm ô tô thương hiệu Việt, ông Long nói thêm: "Doanh nghiệp Việt như Vinfast bảo làm ô tô thương hiệu Việt là rất quý. Họ lựa chọn công nghệ của châu Âu. Nếu ô tô Việt Nam chỉ "quanh quẩn châu Á" thì không bao giờ có ô tô. Tôi hy vọng với quyết tâm, kinh nghiệm kinh doanh thương trường, tôi hy vọng các anh có bước đi khác và Việt Nam có ô tô thương hiệu Việt".

Tại hội thảo, ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, không nên coi công nghiệp ô tô là một ngành mà cần phải coi là một nền kinh tế vì nó "lôi cuốn" rất nhiều ngành đi theo.

"Khi nào nhận thức được điều đó thì mới đưa ra được những chính sách phù hợp. Đây không chỉ cho một ngành công nghiệp mà phải có chính sách phủ lên nền kinh tế", ông Tuất nói. Ông cũng cho rằng, cần một chính sách đột phá thay vì chỉ loay hoay với những câu chuyện như thuế phí, ưu đãi cho doanh nghiệp.

"Ngay từ những năm 1958, khi tập đoàn Suzuki của Nhật Bản kiến nghị với Chính phủ nước họ thu toàn bộ tiền thu được từ ô tô đầu tư cho hạ tầng, cuối cùng Bộ Tài chính Nhật Bản đã đồng ý với họ. Để phát triển ô tô thì phải có quy mô giao thông, nếu tiền thu được từ ô tô mà mang đi làm việc khác thì giao thông không theo kịp, mà không có đường giao thông thì không phát triển được ô tô", ông Tuất lấy ví dụ về một giải pháp mang tính "đột phá" được Nhật Bản áp dụng.

Phương Dung

Chỉ quanh quẩn ở châu Á thì không bao giờ có "ô tô Việt" - 2