Chi nghìn tỷ nhập thức ăn chăn nuôi và cái Tết buồn khi heo mất giá

(Dân trí) - Nhập khẩu thức ăn gia súc tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của ngành chăn nuôi trong nước đang thời nở rộ. Khi nhu cầu thịt trong nước dư thừa, thì thịt lợn được kỳ vọng sẽ đi ra nước ngoài bằng đường xuất khẩu song Trung Quốc đột ngột dừng nhập thịt lợn từ Việt Nam, nhiều chủ trang trại nuôi lợn đã nhận cái Tết buồn không thể nuốt trôi.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, riêng tháng 1/2017, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn gia súc phục vụ ngành chăn nuôi trong nước tháng Tết Nguyên đán 2017 đã đạt hơn 260 triệu USD (gần 6.000 tỷ đồng). Như vậy, trung bình mỗi ngày ngành chăn nuôi trong nước chi hơn 200 tỷ đồng nhập thức ăn cho ngành chăn nuôi trong nước. Con số nhập khẩu vẫn lớn nhất trong nhóm hàng nông nghiệp của Việt Nam.

Lợn hơi các tỉnh phía Nam phụ thuộc lớn thị trường xuất khẩu Trung Quốc (ảnh minh hoạ)
Lợn hơi các tỉnh phía Nam phụ thuộc lớn thị trường xuất khẩu Trung Quốc (ảnh minh hoạ)

Đáng nói, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi xem như là căn bệnh trầm kha, khó chữa của Việt Nam bởi trong nhiều năm qua, ngành chăn nuôi luôn phải chủ động nhập khẩu với kim ngạch lớn. Hết năm 2016, Việt Nam chi 3,4 tỷ USD nhập khẩu mặt hàng này, (khoảng 77.000 tỷ đồng) tăng 2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Năm 2015, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này cũng cao nhất trong nhóm hàng hóa nhập khẩu phục vụ ngành nông nghiệp với 3,39 tỷ USD.

Trung bình, một ngày Việt Nam dành hơn 6.000 tỷ đồng chỉ để nhập thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Con số nhập khẩu mặt hàng nông nghiệp này luôn cao và tăng theo từng năm.

Ngoài các số liệu về nhập thức ăn chăn nuôi, ngành chăn nuôi cũng là tác nhân khiến nhập khẩu các loại ngũ cốc khác tăng mạnh như: đậu tương, ngô, sắn... từ các nước như Mỹ, Úc về chế biến thức ăn chăn nuôi. Năm 2016, các loại ngũ cốc này Việt Nam phải nhập từ 600 triệu USD đến 1 tỷ USD, phục vụ phần lớn cho chế biến thức ăn trong nước, một phần làm dầu thực vật.

Điều nghịch lý là dù phải chi nghìn tỷ đồng để nhập khẩu thức ăn phục vụ ngành chăn nuôi trong nước, song giá trị đóng góp của ngành chăn nuôi vẫn rất thấp trong GDP của ngành nông nghiệp nói chung. Năm 2016, những tác động của thiên tai, dịch bệnh đã khiến tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp giảm sút và ngành chăn nuôi trong nước dù có tăng trưởng song chỉ ở mức thấp, không thể kéo lại được sự suy giảm cả ngành nông nghiệp.

Cụ thể, theo tính toán của Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chi phí cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam trong 5 năm (2010 - 2015) đã tăng từ 1,5 đến 2 lần so với giai đoạn trước đó. Tỷ trọng của ngành chăn nuôi vẫn chỉ ở mức từ 30 - 35% GDP của ngành nông nghiệp. Quy mô tăng 1,5 lần nhưng giá trị ngành chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi gia súc chỉ tăng chưa đầy 6%.

Ngoài vấn đề nội tại của ngành chăn nuôi, vấn đề lớn, có ảnh hưởng đến giá trị ngành này là xuất khẩu. Năm 2016, do lượng cung lợn thịt tại nhiều tỉnh phía Nam lớn, nên vấn đề xuất khẩu thịt lợn được đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, do phụ thuộc về thị trường Trung Quốc nên khi nước này tạm dừng nhập khẩu thịt lợn, giá cả sụt giảm nhanh, khiến nhiều hộ dân cực kỳ khốn đốn.

Theo thông tin về giá cả thịt các loại của Trung tâm Xúc tiến thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá thịt lợn hơi sống bán buôn dao động mức 32.000 - 38.00 đồng/kg, lợn hơi sống bán lẻ hiện vẫn dao động ở mức 32.000 đồng/kg. Lợn thịt bán buôn ở mức 70.000 - 80.000 đồng/kg, bán lẻ vẫn dao động ở mức 80.000 đến 100.000 đồng/kg, tùy theo loại.

Dù mức giá có nhích hơn so với trước và sau Tết Nguyên đán, nhưng theo nhiều chủ trang trại tại Hải Dương, mức giá bán buôn lợn sống vẫn quá thấp. Nhiều chủ trại phải chịu lỗ bán lợn và rất dè dặt tái đàn. Đa số hộ chăn nuôi quy mô lớn không bán được cho các doanh nghiệp (DN) chế biến, họ phụ thuộc lớn vào thương lái bán sang Trung Quốc. Trong khi đó lượng thịt giết mổ tại các lò mổ trong nước chỉ chiếm số lượng ít, tiêu thụ chủ yếu trong nước hoặc sản xuất sản phẩm đông lạnh.

Theo Cục chăn nuôi, trong cơ cấu ngành, chăn nuôi heo vẫn chiếm số lượng lớn nhất và là ngành chủ lực của chăn nuôi Việt Nam, sau đó mới đến các ngành như nuôi trồng thủy sản, thủy cầm, chăn nuôi bò, dê... Tuy nhiên, sự bấp bênh giá thị trường, lệ thuộc vào thị trường nước ngoài đối với hàng xuất khẩu trong năm 2016 khiến nhiều nông hộ được mùa chăn nuôi nhưng lại mất giá.

Ông Đoàn Xuân Trúc, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam cho hay: Chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm trong nước hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu về thịt, trứng và sữa cho người dân. Để ngành phát triển trong thời gian tới, cần hướng ra xuất khẩu. Tuy nhiên, trong các năm qua thị trường vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc mà giá cả bất thường. Thị trường tiêu thụ thịt trong nước đối diện với sự cạnh tranh từ thịt ngoại của Thái Lan, Úc, New Zealand... Bài toán giải quyết cho thịt nội xuất ngoại không khác gì trái cây trong nước, cần cú hích về thị trường và bàn tay của DN lớn.

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ NN&PTNT cho hay, chăn nuôi phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu nên giá trị của ngành này không cao, chủ yếu lấy công làm lãi. Giá cả bấp bênh, sụt giảm đúng dịp Tết vừa qua không chỉ ăn mòn lợi nhuận của người chăn nuôi mà còn suy kiệt tài sản, gây nặng nợ cho họ.

"Rõ ràng chúng ta đang thiếu các chính sách thị trường và tầm nhìn dài hạn để cảnh báo trước thị trường, tránh người dân ồ ạt chăn nuôi theo phong trào và phát triển nóng, thiếu bền vững", ông Sơn nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyền