Thịt ngoại đổ bộ ồ ạt, chăn nuôi nội gặp khó vì "một cổ hai tròng"
(Dân trí) - Nhập khẩu nhiều loại thịt ngoại năm 2016 đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2015 và 2014. Trong khi đó, năm 2017 được dự đoán nhiều loại thịt ngoại sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam do thuế quan được bãi bỏ. Ngành chăn nuôi trong nước vừa phải cải tổ chính mình vừa phải cạnh tranh quyết liệt ngay chính trên sân nhà.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), năm 2016 ước tính nhập khẩu trên 230.000 tấn thịt các loại, trong đó có 140.000 tấn thịt gà, hơn 100.000 tấn thịt heo và hơn 90.000 tấn thịt bò ...
Ngoài ra, cũng tỷ lệ nhập các loại gia súc sống như trâu bò, sữa và trứng cũng tăng so với năm trước. Đáng chú ý, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 12/2016, Việt Nam chi hơn 800 triệu USD để nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa động vật, mức tương đương với cùng kỳ năm 2015.
Đáng nói, tỷ lệ nhập khẩu gia cầm, gia súc về Việt Nam tăng nhanh trong bối cảnh nhiều dòng thuế của các mặt hàng này từ các nước ASEAN và châu Âu được dỡ bỏ. Năm 2017, thịt của các nước từ thị trường EU, Nga dự đoán sẽ vào Việt Nam mạnh hơn khi mức thuế quan giảm.
Đánh giá về hiện trạng ngành chăn nuôi Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: Ngành chăn nuôi trong nước đang sống theo kiểu "một cổ hai tròng" bởi thị trường trong nước không cạnh tranh được thì đã bị mở cửa cho hàng ngoại. Trong khi đó, do quy mô chăn nuôi nhỏ, manh mún, tiểu chủ và hộ gia đình là chủ yếu, nên chi phí ngành này tăng cao, lệ thuộc vào thức ăn nhập khẩu, giá sản phẩm cuối cùng cao hơn so với hàng ngoại, khó cạnh tranh. Dự đoán từ năm 2017, ngành này sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Theo tính toán, năm 2010 Việt Nam chỉ nhập khẩu 25 triệu USD thịt bò nhưng 4 năm sau, con số này là 92,5 triệu USD, tăng gần 4 lần. Năm 2015 Việt Nam nhập 124.000 tấn thịt gà, 9.000 tấn thịt lợn và hơn 420.000 con trâu bò để giết thịt, ngoài ra còn nhập thịt chế biến, trứng và sữa... Tốc độ nhập khẩu thịt các loại tăng từng năm, trong khi chăn nuôi trong nước đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, giá thức ăn biến động mạnh.
Tính đến giữa tháng 12/2016, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã chi hơn 3,2 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; ngoài ra còn nhập nhiều nguyên liệu để phục vụ chăn nuôi trong nước như chi 1,6 tỷ USD nhập ngô và 600 triệu USD nhập khẩu đậu tương. Các con số nhập này không hề giảm so với năm 2015 và 2014 mà còn có xu hướng tăng lên.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho hay: "Ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang nằm trong tay nhiều doanh nghiệp FDI, họ chi phối về dây chuyền sản xuất thức ăn và cả trang trại. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước một là làm gia công cho các DN ngoại, chi phí đắt và lệ thuộc vào đầu vào. Hai là đứng ra làm riêng, nhưng có thị phần nhỏ, cung ứng chủ yếu ở các thị trường vùng sâu, vùng xa. Chính vì vậy, hiện trạng phụ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khiến chi phí chăn nuôi trong nước tăng cao, dẫn đến thịt nội rất khó cạnh tranh về quy mô lẫn giá".
Đáng nói, trong khi ngành chăn nuôi trong nước còn đang "ngập chìm" trong bài toán khó về đầu ra và thức ăn thì thị trường bán lẻ, tiêu dùng của Việt Nam trưởng nhanh, uớc tính của Tổng cục Thống kê, năm 2016 tăng trưởng ngành này trên 10,6%, ước đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng. Đây là điều kiện lý tưởng để các doanh nghiệp nước ngoài coi Việt Nam là thị trường cho các loại thịt tập kết.
Cụ thể, từ tháng 11/2016, 42 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã có chuyến khảo sát thị trường thực phẩm tại Việt Nam. Nhiều DN kỳ vọng sau khi Hiệp định thương mại tự do VN - EU có hiệu lực, thuế nhập khẩu vào VN còn 0%, hoạt động xuất khẩu thịt bò và thậm chí thịt heo của EU sang thị trường Việt Nam sẽ tăng tốc.
Hiện, mức thuế cho các loại thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ EU, Mỹ còn khá cao, từ 15 - 30% tùy theo chủng loại, song các loại thịt này chỉ đắt hơn một chút so với các loại thịt bò trong nước. Phần lớn thịt ngoại nhập được đưa vào bán tại các siêu thị, nhà hàng và khách sạn, cạnh tranh trực tiếp với thịt nội. Đặc biệt, ngay cả thịt bò từ Úc và New Zealand khi được bỏ thuế theo FTA giữa ASEAN + 6 cũng rẻ hơn và có sự cạnh tranh sòng phẳng với thịt bò trong nước và thịt bò EU, Mỹ. Chính vì vậy, khi FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam và Liên minh Á Âu được ký kết mức thuế sẽ về 0% thì thịt bò các nước được dự báo sẽ ồ ạt vào Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, con giống có chất lượng kém và công nghệ chăn nuôi còn hạn chế, giá thành chăn nuôi Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với thịt nhập ngoại trong thời gian tới. Và khi thuế nhập khẩu và các rào cản thương mại giảm xuống, thịt ngoại tràn vào nhiều hơn, ngành chăn nuôi trong nước càng khó khăn hơn.
Nguyễn Tuyền