1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chỉ luật Doanh nghiệp không đủ làm kinh tế thị trường

Thay thế luật Doanh nghiệp 1999, từ 1/7 tới, luật Doanh nghiệp 2005 chính thức có hiệu lực sẽ đưa tất cả các loại hình doanh nghiệp vào chung một “giỏ” pháp lý. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói về việc thực thi luật này trong lộ trình cấp bách và Việt Nam làm gì để được công nhận là kinh tế thị trường đầy đủ?

Thưa ông, vì sao "giấy phép con", vốn đã được loại bỏ nhiều trong quá trình thi hành Luật Doanh nghiệp 1999, lại có dấu hiệu trỗi dậy?

Bên cạnh yếu tố đặc quyền đặc lợi của các bộ, ngành, địa phương, còn có sự lúng túng trong năng lực quản lý. Khi đề cập đến việc bỏ giấy phép, thứ trưởng một bộ nói, bỏ hết thì chúng tôi biết quản lý bằng cái gì. Cứ như là mình bị tước hết vũ khí, không còn khả năng chiến đấu.

Quan trọng hơn là do tư duy quản lý. Nhiều người vẫn chưa hiểu được là trong kinh tế thị trường Nhà nước cần làm gì, vẫn nghĩ Nhà nước là có quyền ngăn cản người này, ưu đãi người kia, nên can thiệp lung tung, không có tinh thần thượng tôn pháp luật gì cả.

Nhưng đó là những lý do không mới!

Không mới nhưng chưa chuyển được bao nhiêu. Hiện nay, các cơ quan đăng ký kinh doanh chịu rất nhiều áp lực khi thực thi chính sách. Nay bị quan này hỏi sao dám cho phép người mới ra tù thành lập doanh nghiệp. Mai bị hỏi sao cho doanh nghiệp này đặt tên thế nọ thế kia. Họ phải được pháp luật bảo vệ.

Một trong những bài học rút ra trong 6 năm thi hành Luật Doanh nghiệp 1999: Quyền kinh doanh chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ nên phải hình thành đồng bộ các yếu tố của thị trường để “thị trường hóa” nền kinh tế hơn nữa. Nếu không, quyền này chỉ phát huy tác dụng tự phát ở những vùng kinh tế thị trường phát triển. Theo ông, vì sao lại có bài học này?

Luật Doanh nghiệp chỉ nêu những vấn đề chung về quyền kinh doanh, kinh tế thị trường chứ không có khả năng chế định các quy định của luật khác.

Hiện nay, những vấn đề nào đã được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành thì áp dụng theo luật chuyên ngành. Quan trọng là các luật khác có tôn trọng quyền này, có tuân thủ quy luật kinh tế thị trường, chấp nhận cạnh tranh không hay là vẫn muốn bảo hộ.

Cần phải báo cáo với Quốc hội về việc này để Quốc hội có nghị quyết về quy trình xây dựng luật để rà soát lại, sửa đổi những điểm không phù hợp với tinh thần Luật Doanh nghiệp trong các luật hiện có và tránh việc các luật ra đời sau này tiếp tục mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp.

Chúng ta đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm nhưng sao nhiều chuyên gia cho rằng việc thực hiện Luật Doanh nghiệp 2005 có thể sẽ khó khăn hơn?

Thử đặt câu hỏi đơn giản nhất: Các bộ, ngành có sẵn sàng từ bỏ đặc quyền, đặc lợi của mình được thể hiện trong giấy phép không? Hiện nay, chúng đã được "hợp thức hoá" vào luật rồi, có sẵn sàng cũng khó khăn hơn. Những phần dễ đã sửa rồi, vậy lãnh đạo có đủ quyết tâm để sửa những phần khó khăn còn lại không?

Kinh nghiệm của các nước, phải có quyết tâm của lãnh đạo cao cấp. Như Hàn Quốc, đích thân tổng thống chỉ đạo việc này. Và phải có chuyên gia tham mưu . Phải có cơ chế để doanh nghiệp lên tiếng phát biểu. Chúng ta hãy chờ đợi và hy vọng. Mình không tự xử thì bên ngoài người ta dễ gì chịu.

Ý nghĩa của việc thực thi Luật Doanh nghiệp trong lộ trình và viễn cảnh rất cấp bách hiện nay là Việt Nam phải được công nhận là một nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ?

Những đòi hỏi của một nền kinh tế thị trường đầy đủ là Nhà nước không được phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp, không can thiệp vào công việc nội bộ của doanh nghiệp, không được trợ giá, thưởng xuất khẩu, sử dụng các biện pháp ưu đãi...

Các quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 cơ bản phù hợp với các đòi hỏi này, vấn đề còn lại là thực thi như thế nào để người khác còn nhìn vào.

Luật Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhưng một mình Luật Doanh nghiệp không đủ làm kinh tế thị trường. Ta cần phải đổi mới, cải cách nhiều lĩnh vực khác mới "đạt yêu cầu" như tiền lương (phải bình đẳng giữa các khu vực kinh tế), ngoại hối (phải được tự do chuyển đổi), giá cả (không được can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính), xử lý tranh chấp (có còn bị tác động bởi các quyết định chính trị không?)...

Muốn vậy, phải có sự thay đổi đồng bộ về pháp luật, chính sách, hoạt động của bộ máy Nhà nước, trải qua một quá trình nhà nước và doanh nghiệp tự điều chỉnh chứ đừng sợ này sợ kia. Thời đại hiện nay rất khó giấu thông tin. Cách tốt nhất là cứ sòng phẳng, công khai, minh bạch và chuyển đổi, thích nghi.

Trong các thiết chế quản lý của kinh tế thị trường, phải chăng chúng ta thiếu một trụ cột quản lý rất quan trọng là các định chế tự quản xã hội. Và đó là căn nguyên vì sao không tìm được mô hình "hậu kiểm", nên cứ sợ, đòi "tiền kiểm"?

Nếu có định chế tự quản xã hội, công việc quản lý của Nhà nước sẽ giảm tải được rất nhiều, cả hai có thể tự mình hoặc phối hợp thực hiện việc hậu kiểm, hiệu quả sẽ cao hơn. Khi đó các hiệp hội giữ vai trò tự quản, tự bảo vệ và tự kiểm với nhau.

Gần đây, đã có những chuyển biến tích cực, nhiều hiệp hội đã phát huy vai trò. Nhưng cần phải có khung pháp lý phù hợp để các hiệp hội ra đời thuận lợi hơn và đảm bảo rằng các hoạt động cũng như quyết định tự quản của mình được công nhận.

Và một trụ cột khác cũng đang rất yếu là các thiết chế xử lý tranh tụng?

Từ trước đến nay, ít có điều tra nên ta không nắm được việc thực thi Luật Doanh nghiệp trong nội bộ doanh nghiệp. Theo chỗ tôi biết, chất lượng thực hiện không cao, trong mỗi doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp mà tự mỗi thành viên không biết cách giải quyết với nhau thế nào dẫn đến tự mình làm yếu doanh nghiệp mình.

Bản thân toà án phải biết Luật Doanh nghiệp để xử lý các tranh chấp đó cũng như các tranh chấp sẽ ngày càng nhiều giữa các doanh nghiệp với nhau chứ như vụ công ty đay mà báo chí nêu thì lúng túng quá. Công an, thuế phải biết Luật Doanh nghiệp để hành xử chứ không thể tiếp tục tái diễn tình trạng "tôi chỉ cần biết các văn bản hướng dẫn của bộ ngành cấp trên thôi".

Xa hơn nữa, các cơ quan pháp luật phải tư vấn để doanh nghiệp biết cách hầu kiện và đi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Cần phải xem việc kiện tụng là một công cụ bình thường trong cơ chế thị trường. Khi đã vào sân chơi chung, đã có luật chơi thì mình phải biết cách chơi và áp dụng nó.

Xin cám ơn ông!

Theo Mỹ Lệ
Báo Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm