Chị em lùng mua cành hồng trĩu quả Tây Bắc, dân buôn "hốt bạc"
(Dân trí) - Vài năm gần đây, người Thủ đô có trào lưu cắm cành hồng trĩu quả hay cành táo mèo trong nhà để thay cho các loại hoa, nhờ thế, dân buôn mặt hàng này bỗng phát tài, "hốt bạc".
Tháng 8 là thời điểm hồng, một loại quả nổi tiếng ở vùng Tây Bắc, bước vào vụ thu hoạch. Những năm gần đây, thay vì bán quả, người dân còn cắt cả những cành hồng tươi gửi về Hà Nội.
Những cành này sẽ được khách hàng sử dụng làm vật trang trí trong nhà. Mọi người sẽ mua theo set từ 3 - 5 cành với giá 140.000 - 150.000 đồng/set. Cá biệt, nhiều cành dài, quả, lá đẹp còn được bán với giá 170.000 - 180.000 đồng/set.
Chị Ngọc Anh, một tiểu thương bán cành hồng ở Hà Nội, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cước vận tải tăng nên giá cành hồng cũng nhích tăng so với mọi năm.
Theo chia sẻ của chị Anh, toàn bộ cành hồng nhà chị đều nhập từ Sơn La. Người dân ở trên đó sẽ cắt cành hồng tươi gồm quả theo yêu cầu rồi bó lại, tính tiền theo cân. Sau đó, khi nhận được hàng, tiểu thương mới tách set bán lẻ cho người tiêu dùng.
"Một set cành hồng quả như tôi đang bán là 150.000 đồng gồm 5 - 7 cành. Thông thường, tôi sẽ mở đơn vào 2 dịp là ngày rằm và mùng một để phục vụ cho nhu cầu cúng lễ và cắm trang trí của mọi nhà", chị thông tin.
Tương tự, chị Vũ Oanh, một đầu mối bán đồ rừng ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, ngày trước, chị thường bán quả hồng để mọi người ăn hoặc ngâm, nhưng 2 năm nay cửa hàng bán cả cành hồng tươi.
Những cành này chị đặt mua từ Lai Châu rồi chuyển xuống Hà Nội bán. Theo chị, để có một cành hồng đẹp, phải chọn cành có quả nhỏ vừa xinh, lá tươi, cành thẳng tắp để phù hợp với nhiều loại bình, lọ đựng khác nhau. Vì vậy, có khi cả cây hồng chỉ chọn được vài cành đạt tiêu chuẩn.
"Tôi bán theo set từ 3 - 5 cành. Cành ngắn 30 - 50 cm giá 140.000 đồng/set, cành dài 60 - 80 cm giá 170.000 - 180 đồng/set. Nếu khách mua từ 20 cành trở lên sẽ được miễn phí vận chuyển và hưởng giá ưu đãi riêng", chị nói.
Theo chị Oanh, một cành hồng có thể giữ tươi được từ 15 - 20 ngày, tính ra còn rẻ hơn nhiều loại hoa khác. Hơn nữa, khi quả hồng chín, mọi người có thể dùng để ăn như các loại trái cây thông thường.
"Dịch bệnh cũng khiến việc tiêu thụ cành hồng chậm hơn nhưng sức mua vẫn ở mức tốt. Như mỗi tuần hiện nay, tôi đều bán được 110 - 120 set các loại, thu về khoảng triệu đồng tiền lãi", chị cho hay.
Dù sức mua tốt nhưng mỗi lần gom hàng, chị Nguyễn Thảo (Long Biên, Hà Nội) chỉ nhận 100 set cành hồng. Theo lý giải, việc thuê shipper hiện khó khăn nên chị không dám nhận nhiều, sợ lỡ hẹn với khách.
"Ngày trước, tôi cứ cho khách đặt thoải mái vì hàng về liên tục nhưng giờ có khi cả tuần may ra mới được một chuyến. Đó là chưa kể, khi vận chuyển, hàng bị va đập, dập, hỏng là phải bỏ đi hết chỗ đấy nên rủi ro cũng nhiều", chị kể.
Ngoài ra, chị Thảo còn thừa nhận, giá cành hồng ở Tây Bắc khá rẻ, tuy nhiên, khi vận chuyển về các tỉnh, giá cước cao nên chi phí bị đội lên nhiều, đặc biệt là trong mùa dịch.
"Hàng thì chúng tôi mua buôn theo cân, cứ 100 kg là đóng một thùng. Sau đó, chúng tôi về sẽ tách set. Nếu hàng không dập, hỏng thì lãi nhiều, còn không thì lãi ít. Nhưng nói chung, thu nhập từ bán cành hồng tươi tốt lắm", chị nhận định.
Có sở thích cắm hoa và đồ trang trí, chị Lê Dung Nhi (Mỹ Đình) cho hay phải chờ một tuần mới có cành hồng về. Lần này, chị đặt mua 7 cành với 50.000 đồng/cành, chia làm 2 bình, bình nhỏ để ở phòng làm việc, bình to để ở phòng khách.
Theo chị, trang trí những cành hoa quả tươi trong nhà sẽ có cảm giác tươi mát, gần gũi với thiên nhiên. Đặc biệt, hương thơm của quả còn giúp tinh thần của mọi người dễ chịu, thoải mái.