iMoney số 20:

Chi cả trăm triệu đồng để mở quán ăn, cà phê nhượng quyền có dễ sống?

Việt Đức

(Dân trí) - Theo chuyên gia, dù các mô hình nhà hàng, cà phê nhượng quyền đã đóng gói công thức nhưng người đầu tư không nên kỳ vọng chỉ cần bỏ tiền ra là chắc thắng.

Đầu tư gần 800 triệu đồng để nhận nhượng quyền thương hiệu một nhà hàng nhỏ tại TPHCM từ cuối năm 2021 với hy vọng có thêm nguồn thu nhập thụ động nhưng sau 6 tháng, anh Hiếu mới nhận ra việc vận hành kinh doanh không hề đơn giản như hình dung ban đầu.

"Trước khi bắt đầu, tôi thấy đã có đủ hệ thống, quy trình nhưng lúc trực tiếp nhận nhượng quyền lại nảy sinh nhiều vấn đề với cửa hàng của mình. Doanh thu ổn định nhưng lợi nhuận không đủ để thuê hẳn quản lý chuyên nghiệp. Tôi mất quá nhiều thời gian có mặt trực tiếp ở quán nhưng cũng không thể sâu sát được vì vẫn còn công việc chính", anh Hiếu chia sẻ.

Anh cho biết quyết định nhận nhượng quyền để thụ hưởng những tài nguyên có sẵn như thương hiệu, quy trình, hệ thống vận hành, công thức chế biến với kỳ vọng việc kinh doanh sớm ổn định, nhanh hoàn vốn so với tự mở quán riêng. Những tháng đầu tiên, anh trực tiếp làm mọi việc, hy vọng hệ thống sẽ sớm hoạt động trơn tru mà không cần phải giám sát hàng ngày nhưng sau hơn nửa năm vẫn chưa đạt được như mong muốn. 

Sai lầm nếu nghĩ chỉ cần bỏ tiền đầu tư, lợi nhuận tự chảy vào túi

Ông Nguyễn Chánh, chuyên gia tư vấn nhượng quyền nhiều mô hình ẩm thực (F&B), cho biết để thành công, nhà đầu tư nên xác định mình phải trực tiếp tham gia vận hành cửa hàng của mình tối thiểu 3-6 tháng sau khi nhận nhượng quyền để hiểu tường tận mô hình, khách hàng trước khi nghĩ đến việc quản lý từ xa.

Ông phân tích có 3 yếu tố cơ bản nhà đầu tư nhượng quyền một mô hình F&B cần quan tâm. Đầu tiên là sản phẩm phải phù hợp với khẩu vị tiêu dùng, giá bán phù hợp với khách hàng tại khu vực mở cửa hàng. Có thể cùng một món ăn, món nước bán chạy ở nơi này nhưng lại bán ế ở nơi khác. Thứ hai là vị trí điểm bán, mặt bằng kinh doanh thuận lợi. Cuối cùng là khâu vận hành trực tiếp.

Theo ông Chánh, dù các thương hiệu F&B khi nhượng quyền đều đã đóng gói mô hình, sản phẩm nhưng việc vận hành trực tiếp vẫn đóng vai trò quyết định. Một món ăn dù công thức, nước sốt có sẵn nhưng hương vị cuối cùng vẫn phụ thuộc người đầu bếp. Tương tự, một món nước đã có công thức nhưng chất lượng vẫn được quyết định bởi người trực tiếp pha chế. 

Do đó, người đầu tư phải trực tiếp quản lý sâu sát cửa hàng sau khi nhận nhượng quyền thời gian đầu để tìm hiểu, nắm bắt khẩu vị, hành vi của người tiêu dùng nếu cần thiết rồi mới có thể tính đến giao người quản lý thay mình.

"Nếu cứ nghĩ nhận nhượng quyền F&B đã có mô hình được đóng gói hết, chỉ cần bỏ tiền ra thuê người làm và ngồi yên hưởng lợi nhuận thì sẽ dễ thất bại. Xu hướng của các thương hiệu nhượng quyền hiện tại là chuyển giao thay vì tham gia nhiều vào việc vận hành của chủ đầu tư", ông Chánh cho biết.

Chi cả trăm triệu đồng để mở quán ăn, cà phê nhượng quyền có dễ sống? - 1

Cùng một mô hình F&B nhượng quyền đã được đóng gói nhưng yếu tố quyết định phụ thuộc vào người trực tiếp đầu tư, vận hành (Ảnh: Napoli).

Qua thời đầu tư mặt bằng lớn, đắt đỏ

Từ kinh nghiệm phát triển hệ thống hơn 3.000 cửa hàng cà phê trên cả nước, phần lớn trong số đó được nhượng quyền cho đối tác, ông Nguyễn Đức Hưng, nhà sáng lập Napoli Coffee, cũng nhấn mạnh yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong mô hình này.

Bản thân ông dành nhiều thời gian trực tiếp tiếp xúc với những người muốn đầu tư nhận nhượng quyền thương hiệu cà phê của mình. Theo ông Hưng, người đầu tư hoặc người thân của họ cần đảm bảo thời gian trực tiếp vận hành, quản lý quán, đặc biệt phải có phong cách phù hợp với ngành dịch vụ mới có thể thành công.

"Không phải ai có tiền muốn làm mình cũng đồng ý được. Ví dụ nếu họ mở quán ra mà không có người quản lý sâu sát, không có phong thái niềm nở phục vụ, chăm sóc khách hàng thì ảnh hưởng tới thương hiệu cả hệ thống", ông chia sẻ.

Ông Hưng cũng đánh giá sau đại dịch, nhiều người không còn muốn gắn bó với công việc văn phòng hay về quê nên có nhu cầu tự kinh doanh cà phê, quán ăn nhỏ để ổn định cuộc sống. Xu hướng đầu tư ngành F&B cũng thay đổi khi những người kinh doanh không còn hướng đến các mặt bằng lớn, đắt đỏ để hạn chế rủi ro sau dịch bệnh. Thay vào đó, họ muốn chọn các mô hình với quy mô đầu tư vừa phải, ưu tiên tính hiệu quả. Bản thân công ty của ông cũng phát triển mô hình miễn phí nhượng quyền thương hiệu, vốn đầu tư mở quán trọn gói thấp nhất từ 70 triệu đồng để nhiều người có thể tham gia.

Đặc biệt, việc bán hàng qua các kênh online, ứng dụng giao hàng trở nên đặc biệt quan trọng với người kinh doanh F&B sau dịch. Do đó, để thành công trong bối cảnh hiện nay, ông Hưng lưu ý người đầu tư nhận nhượng quyền cần được hỗ trợ không chỉ về thiết kế, thi công, nguồn nguyên liệu, quy trình bán hàng truyền thống mà còn cả bí quyết kinh doanh trên nền tảng trực tuyến để có thể đi bằng hai chân, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào doanh số bán trực tiếp tại cửa hàng.