1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chỉ báo nguy hiểm của tình trạng "xin - cho"

(Dân trí) - Một kết quả khảo sát gần đây cho thấy, quan điểm của phần lớn doanh nghiệp là các ngân hàng chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp lớn và có lãi (38%), hoặc các doanh nghiệp thân thiết (31%).

Theo báo cáo nghiên cứu vừa công bố của Vietnam Report về “Kinh tế và tái cấu trúc kinh tế năm 2013: từ góc nhìn của doanh nghiệp lớn”, phần lớn các doanh nghiệp tỏ ra khá bi quan về thời điểm phục hồi của nền kinh tế và cho rằng trong năm 2013, nền kinh tế chưa thể phục hồi (46%).

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều tỏ ra bền bỉ và chuẩn bị sẵn sàng cho những gì xấu nhất khi đa số nhận định tình hình vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát của mình.

Biểu đồ: Kinh tế vĩ mô nửa cuối 2012 và triển vọng phục hồi
Biểu đồ: Kinh tế vĩ mô nửa cuối 2012 và triển vọng phục hồi (Nguồn: Khảo sát DN lớn và doanh nghiệp tăng trưởng, Vietnam Report).

Trước mắt, các doanh nghiệp đều chấp nhận sự thật rằng kết quả kinh doanh của họ sẽ khá xấu đi trong sáu tháng cuối năm 2012. Số doanh nghiệp dự đoán sẽ giảm quy mô lao động và doanh thu nhiều hơn số doanh nghiệp cho rằng số lao động và doanh thu của họ sẽ tăng lên so với 6 tháng đầu năm. Riêng chỉ tiêu doanh thu thì số doanh nghiệp dự đoán doanh thu tăng lại cao hơn số doanh nghiệp dự doán doanh thu giảm.

Cũng theo kết quả khảo sát này, có tới gần 28% các nhà quản lý doanh nghiệp chia sẻ rằng cản trở lớn nhất đối với doanh nghiệp khi ra quyết định về tái cấu trúc là sự thiếu hụt về nhân sự thích hợp.

Bên cạnh đó, những biến động về kinh tế không được dự báo trước cũng làm các doanh nghiệp cẩn trọng hơn khi ra quyết định tái cấu trúc. Trở ngại tiếp theo chính là sự không thống nhất giữa các lãnh đạo trong doanh nghiệp về mục tiêu tái cấu trúc.

Biểu đồ: Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp khi quyết định tái cấu trúc
Biểu đồ: Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp khi quyết định tái cấu trúc (Nguồn, VietnamReport).

Thậm chí, có hơn 90% các nhà quản lý doanh nghiệp nhận định rằng tái cấu trúc đã đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ tại các doanh nghiệp Việt Nam.

Đáng nói là trong khi dòng vốn tín dụng cho doanh nghiệp vẫn còn đang là vấn đề nóng bỏng, thì quan điểm của phần lớn doanh nghiệp là các ngân hàng chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp lớn và có lãi (38%), hoặc các doanh nghiệp thân thiết (31%).

Số đông các doanh nghiệp còn lại cho rằng các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp tuy nhiên một số ngân hàng quá khó khăn để có thể giúp đỡ doanh nghiệp. Chỉ có một số ít doanh nghiệp có quan điểm không thông cảm với các ngân hàng và cho rằng các ngân hàng đang không thực sự muốn hỗ trợ và vẫn muốn thu được nhiều lợi nhuận.

Trong bối cảnh như trên, không ít doanh nghiệp cho rằng phải tiếp tục cứu trợ doanh nghiệp khẩn cấp như: giảm thuế, giãn nợ, xóa nợ, tăng thêm tín dụng giá rẻ, kích thích thị trường bất động sản… Nếu không thì hàng loạt doanh nghiệp sẽ phá sản. Người lao động sẽ mất việc hàng loạt. Xã hội có thể rối loạn.

Trong khi đó, có những doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn lại có ý kiến khác. Họ cho rằng Chính phủ vẫn nên tập trung vào cải cách và tái cơ cấu kinh tế, không nên cứu trợ doanh nghiệp yếu kém nữa, hãy để doanh nghiệp yếu kém phá sản, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước yếu kém cũng nên phá sản.

Rồi sau đó, từ chính sự phá sản đó, sẽ có các doanh nghiệp mới được thành lập và các việc làm mới được tạo ra. Vì càng cứu trợ, doanh nghiệp càng ỉ lại vào nhà nước.

Lan Hương