Chi 2 tỷ USD nhập nguyên liệu thức ăn, ngành chăn nuôi ngày càng phụ thuộc
(Dân trí) - Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam phải chi gần 2 tỷ USD nhập khẩu thức ăn và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong 8 tháng đầu năm, trong đó, riêng nửa đầu tháng 8 đã chi hơn 151 triệu USD cho mặt hàng này.
Trước đó, trong tháng 7, Việt Nam cũng phải chi gần 350 triệu USD nhập khẩu loại mặt hàng trên, khiến tổng giá trị mặt hàng thức ăn chăn nuôi (TACN) nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt 1,8 tỷ USD.
Trong vài năm trở lại đây, ngành chăn nuôi Việt Nam luôn phải nhập khẩu thức ăn và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi số lượng lớn. Theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, 11 tháng năm 2015, Việt Nam chi hơn 3,06 tỷ USD nhập khẩu TACN.
Cũng theo một báo cáo của Bộ Công Thương, hiện chi phí cho TACN đã chiếm tới khoảng 70% tổng giá trị thị trường chăn nuôi (6,958 tỷ USD năm 2012 và 7,643 tỷ năm 2013) như Trung Quốc, Úc, Brazil, Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan. Các mặt hàng nhập khẩu TACN của Việt Nam chủ yếu là ngô với 1,43 tỷ USD; đậu tương là hơn 639 triệu USD.
Hiện ngành chăn nuôi của Việt Nam đối mặt với tình trạng phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Theo Bộ Công Thương, cả nước có khoảng 239 nhà máy chế biến TACN, trong đó 180 nhà máy là của các doanh nghiệp trong nước, 59 là của các liên doanh và 100% vốn FDI. Số nhà máy liên doanh và FDI không nhiều nhưng công suất lớn, sản lượng cao, chiếm thị phần lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, hiện thị trường TACN tại Việt Nam đang bị điều khiển bởi một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu nguyên liệu mà không chú trọng sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, các dịch vụ thú y, thuốc thú y cũng phụ thuộc một số công ty tư nhân nước ngoài, trong đó biểu hiện rõ nhất là thuốc thú y phụ thuộc khá lớn vào thị trường Úc, Brazil hay Trung Quốc. Điều này dẫn đến nguy cơ thị trường bị thiên lệch, sử dụng quá nhiều loại thuốc giá đắt và gây thiệt hại cho nông dân.
Trong khi ngành chăn nuôi trong nước được đánh giá có nguy cơ bị xóa sổ nhanh nhất vì quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ và thiếu liên kết từ chuỗi thức ăn, chăn nuôi và giết mổ thì các công ty nước ngoài khai thác tốt các lợi thế về quy mô. Biểu hiện lớn nhất là ngay đến hệ thống giết mổ, phân phối thịt, nhập lậu thịt chất lượng kém… là những mối đe dọa đến sự phát triển của ngành.
Dù có các nhà máy sản xuất TACN, song theo Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, thực trạng nhập khẩu nguyên liệu về đóng gói sản phẩm và cung cấp ra thị trường đang phổ biến, điều này khiến ngành chăn nuôi đạt giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc thị trường nhập khẩu, ngành có lợi thế tại Việt Nam chậm phát triển, mở rộng.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện sản lượng ngô và đậu tương của Việt Nam/người khá thấp so với mặt hàng lúa. Điển hình năm 2014, với dân số 91 triệu người nhưng sản lượng lúa của Việt Nam chỉ 494 kg/người, trong khi đó ngô chỉ là 54 kg/người và đậu tương chỉ 1,5 kg/người.
Với sản lượng đậu tương hiện tại không đủ để phục vụ nhu cầu cho người chứ chưa nói tới làm nguyên liệu TACN. Chăn nuôi gia súc hàng năm cần 4 - 5 triệu tấn khô dầu các loại thì hầu như phải phải nhập khẩu 100%. Tương tự, ngô cũng thường xuyên thiếu phải nhập khẩu khoảng 50%.
Theo ông Lịch, hiện chăn nuôi gia súc hàng năm của Việt Nam cần từ 4 - 5,5 triệu tấn khô dầu các loại trong đó gần như 100% Việt Nam phải nhập khẩu do sản xuất trong nước không đáp ứng, không có vùng nguyên liệu và không có chiến lược phát triển. Nhiều vùng người nông dân trồng nhưng không được tiêu thụ do DN đã nhập khẩu.
"Việt Nam không có lợi thế trồng các loại cây trồng cho thức ăn chăn nuôi gia súc như đậu tương, ngô so với các nước. Các cây trồng biến đổi gen cũng cho năng suất thấp và ít được ứng dụng đại trà. Trong khi đó, các DN FDI nhập khẩu chủ yếu ở các nước như Hoa Kỳ, Brazil, Canada với số lượng lớn. Từ năm 2010 đến nay, sản xuất các loại ngô, đậu tương - thành phần chính cho chăn nuôi gia súc giảm mạnh, khiến chúng ta luôn trong tình trạng nhập khẩu và phụ thuộc nhập khẩu. Với cách quy hoạch và làm việc như hiện tại thì thậm chí 20 hoặc 30 năm nữa, chăn nuôi trong nước vẫn không thoát khỏi việc lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu", ông Lịch cho hay.
Theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi trong nước đang phải đối phó với nhiều vấn đề lớn, trong đó có đầu ra sản phẩm hạn chế do hàng nhập khẩu, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi. Hiện, một số vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam không phát triển được vì năng suất cây trồng yếu kém, người dân không tham gia được vào chuỗi cung ứng TACN cho DN. Do đó dẫn đến các sản phẩm trên phụ thuộc lớn vào nhập khẩu.
Trong 5 năm qua, giá TACN luôn biến động tăng, trong đó có mặt hàng nguyên liệu là đậu tương, ngô và TACN thành phẩm, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển ngành, giá trị gia tăng thấp đối với người chăn nuôi trong nước.
Nguyễn Tuyền