"Chạy ăn từng bữa" nhưng đăng ký lập DN vốn siêu khủng sẽ bị xử lý thế nào?

(Dân trí) - Việt Nam hiện có một Luật, hai Nghị định cấm và quy định rõ mức xử phạt hành vi khai không trung thực, gian dối về vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp với các mức phạt vi phạm cụ thể.

Theo đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định rất rõ về các hành vi cấm trong hoạt động đăng ký đầu tư. Ngoài ra, hiện còn có 2 Nghị định, hướng dẫn rất chi tiết về việc xử phạt vi phạm và quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức cố ý vi phạm.

Chạy ăn từng bữa nhưng đăng ký lập DN vốn siêu khủng sẽ bị xử lý thế nào? - 1

Thông tin một doanh nghiệp trăm nghìn tỷ đồng với 59 ngành nghề được lập bởi 3 người dân, có trụ sở tại căn nhà sâu trong ngõ nhỏ đang gây xôn xao dư luận

Mấy ngày gần đây, thông tin về một doanh nghiệp cổ phần do ba cổ đông sáng lập với số vốn hơn 144.000 tỷ đồng (gần 6,3 tỷ USD) vượt qua số vốn của rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã gây xôn xao dư luận.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của Dân trí, điều bất ngờ là trụ sở doanh nghiệp trên lại nằm trong một ngõ nhỏ. Một thành viên cổ đông góp vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đã thừa nhận mình chỉ là người kinh doanh nhỏ lẻ, thậm chí phải "chạy ăn từng bữa".

Doanh nghiệp trên hiện cần chờ qua 90 ngày (đến 7/4/2020) để cơ quan chức năng xác định chính xác vụ việc. Giả thiết cơ quan Nhà nước xác nhận các cá nhân vi phạm, hàng loạt biện pháp xử lý vi phạm sẽ đến với những người liên quan.

Luật Doanh nghiệp cấm kê khai không trung thực 

Cụ thể, tại Khoản 4, Điều 17, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định rõ 7 hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể: Cấm kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.

“Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”, Luật Doanh nghiệp 2014 nêu rõ.

Theo quy định tại Điều 23, về Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty cổ phần, doanh nghiệp được đăng ký khi và chỉ khi có 4 loại giấy tờ, trong đó có giấy đề nghị đăng ký kinh doanh nghiệp, điều lệ công ty, danh sách cổ đong sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, bản sao các giấy tờ như thẻ căn cước (chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu…

Tại Điều 8, Nghĩa vụ của Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2014, quy định rõ: “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó”, Khoản 7, Điều 8, Luật Doanh nghiệp ghi.

Tại Khoản 3, Điều 13, Mục 2 về các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam của Nghị định 50/NĐ-CP về xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư có ghi rõ: 

“Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi lập hồ sơ dự án đầu tư không trung thực, không chính xác để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư”.

Đây là khung hình phạt cao nhất đối với hành vi gian dối, khai báo không chính xác đối với doanh nghiệp và các cá nhân có liên quan góp vốn.

Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 24, Mục 4, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp tại Nghị định 50/2016 ghi rất rõ: “Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khắc phục hậu quả bằng cách: “Buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác”, Khoản 2, Điều 24 nêu rõ.

Ngoài ra, Khoản 1, Điều 46, Mục 4, của Nghị định 50/2016 của Chính phủ quy định rõ: “Trường hợp phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi không huy động đủ, đúng thời hạn số vốn đã đăng ký”.

Chữ ký của các cổ đông đều có giá trị vi phạm như nhau

Tại Khoản 3, Điều 58, Nghị định 78/2015/NĐ-CP về Đăng ký kinh doanh, quy định rõ: Trường hợp thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là không trung thực, không chính xác thì Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Chạy ăn từng bữa nhưng đăng ký lập DN vốn siêu khủng sẽ bị xử lý thế nào? - 2

Hình ảnh bất ngờ về trụ sở của doanh nghiệp 144.000 tỷ đồng.

Sau khi có quyết định xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Phòng Đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp làm lại hồ sơ để cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thực hiện cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, theo Khoản 1, Điều 4, Nguyên tắc áp dụng giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp thì: "Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp".

Đặc biệt: “Trường hợp doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, chữ ký của những người đại diện theo pháp luật trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý như nhau”.

Về Quản lý Nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, theo Điều 16 của Nghị định 78/2015 nói trên thì: “Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc xác định nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo’, Khoản 3, Điều 16 ghi rõ.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ KH&ĐT: Đối với những người cho rằng họ vô tình khi cho mượn tên, nhà, số chứng minh thư nhân dân nhưng có ký tên, có khai báo trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thực tế, hiện cá nhân, tổ chức khi đăng ký hồ sơ thành lập doanh nghiệp chỉ phải nộp khoản phí là lệ phí khoảng 150.000 đồng cho bộ hồ sơ, mức giá rất rẻ. Trong khi đó, khung hình phạt cho hành vi khai báo không trung thực chỉ chịu nộp tiền phạt lớn nhất theo khung từ 10-20 triệu đồng, ngoài ra, các mức phạt bổ sung khác đều dưới 15 triệu đồng/trường hợp. 

Mức xử phạt vi phạm nêu trên được cho là chưa đủ sức răn đe với đối tượng khai khống, khai không chính xác số vốn điều lệ nhằm gây khó dễ cho công tác thống kê đầu tư, dự báo kế hoạch và các biến số kinh tế của các Bộ, ngành và địa phương.

Nguyễn Tuyền