Vụ “không đủ ăn” lập DN “khủng”: Lừa đảo sẽ bị xét tội phạm hình sự?

(Dân trí) - Nếu trường hợp khai man, khai khống vốn để lập doanh nghiệp nhằm mục đích lừa đảo, cộng với các hành vi vi phạm khác liên quan, cá nhân, tổ chức có thể bị xét xử tội phạm hình sự.

Đây là một trong những nội dung mà ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - trao đổi với PV Dân Trí xung quanh chuyện 3 cá nhân “ăn chưa đủ no” đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) lên tới 144.000 tỷ đồng (tương đương 6,3 tỷ USD) đang gây xôn xao dư luận.

Vụ “không đủ ăn” lập DN “khủng”: Lừa đảo sẽ bị xét tội phạm hình sự? - 1

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

- Phóng viên: Theo ông, nếu các cá nhân liên quan đến vụ khai khống vốn “siêu khủng” lập doanh nghiệp được chứng minh là sai phạm, hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ được rút sớm và có thể xử phạt cá nhân liên quan như trong trường hợp này ngay không?

- Ông Đậu Anh Tuấn: Nếu giả định pháp luật chứng minh là cá nhân, tổ chức vi phạm thì rõ ràng phải xử phạt trước tiên các vi phạm hành chính.

Về thực tế theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, người thành lập doanh nghiệp được quyền tự ghi vốn của mình. Đối với Công ty CP Luật cho thời hạn 90 ngày để hoàn thành số cổ phần đã đăng ký. Luật cũng ghi rõ, thông tin đăng ký trung thực và phải đúng. 

Khuôn khổ pháp luật đều có các khung hình phạt như Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đầu tư. Cụ thể, trong thời hạn 90 ngày, vốn không góp theo cam kết bị xử phạt thì bị xử phạt theo quy định.

Theo tôi, việc Luật Doanh nghiệp khuyến khích người dân bỏ vốn kinh doanh và khuyến khích tự kê khai. Đây là quy định rất tốt, tránh trường hợp trước đây phải giải trình có bao nhiêu vốn mới được đăng ký kinh doanh như Luật Doanh nghiệp trước đây.

- Dư luận đang yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền siết chặt việc tuỳ tiện khai khống vốn này, theo ông việc này có cần thiết và có quay lại với cách quản lý cũ?

- Rõ ràng hiện quy định bỏ vốn pháp định khi kinh doanh là bước tiến lớn hiện nay của Việt Nam. Về trách nhiệm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quy định hiện nay, trách nhiệm của Nhà nước không phải xác minh anh có bao nhiêu tiền. Trách nhiệm ở đây là ghi nhận mà nghĩa vụ của người thành lập phải kê khai đúng, trung thực.

Chúng tôi nhận thấy, điều cơ quan Nhà nước cần làm chính là  khuyến nghị cá nhân, tổ chức là vốn thành lập chỉ là cam kết, nên là không nên ghi nhận nó vào các chỉ số chính thức nào cả.

Với các ngành khác như ngân hàng, bảo hiểm thì cần phải có vốn tối thiểu, số này phải chứng minh để được kinh doanh. Còn với ngành khác thì đang mở, cam kết chỉ trong thời hạn nhất định, nên cân nhắc, thận trọng.

- Trên thực tế, khai khống sẽ tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp lừa đào, trục lợi, ông có bình luận gì về vấn đề này?

- Trước khi làm ăn với doanh nghiệp, để tránh bị các thông tin gây nhiễu, lừa đảo cần tìm hiểu điều lệ, lịch sử, uy tín. Không ai làm việc dựa trên cam kết đơn thuần, không biết thông tin khác. Người dân và chủ thể có liên quan nên biết.

Vụ “không đủ ăn” lập DN “khủng”: Lừa đảo sẽ bị xét tội phạm hình sự? - 2
Trụ sở DN siêu khủng nhưng người có vốn góp lại cho biết gia đình "chạy ăn từng bữa"

Các báo cáo sử dụng thông tin này làm biến số kinh tế, làm thành tích thì không phù hợp. 

Nếu khai khống, mục đích phù hợp với hồ sơ thầu, tuy nhiên trên thực tế doanh nghiệp không có quy mô vốn đó, hoàn toàn cấu thành tội phạm khác, nếu kết hợp với sai phạm liên đới khác, cơ quan tố tụng, điều tra có thể căn cứ vào đó để khởi tố các tội danh.

- Theo Nghị định 50/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tội danh khai khống vốn để được đăng ký đầu tư sẽ có khung xử phạt 10 - 20 triệu đồng/lần vi phạm, mức phạt này quá thấp nên không đủ sức răn đe?

- Dù khai khống vốn không gây thiệt hại cho ai, hậu quả chưa phát sinh, doanh nghiệp chỉ bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều tra, xác minh có hành vi lừa đảo, dấu hiệu cấu thành lừa đảo thì có thể xử lý theo các quy định của pháp luật về xử lý hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trước đây, chúng ta khó phát hiện tình trạng khai khống vốn, nhưng với hệ thống đăng ký kinh doanh tập trung như hiện nay, người ta có thể thấy nổi lên ngay trường hợp bất thường. Nếu quản lý theo rủi ro, rõ ràng đây là doanh nghiệp có nguy cơ rủi ro cao, các cơ quan có thể ràng buộc được. Đây là điều tốt, không vấn đề gì cả.

Đây cũng là tín hiệu tốt hiện nay là hệ thống kinh doanh ghi nhận trường hợp này, như vậy, dựa trên mặt bằng chung, ngành nghề thì cơ quan quản lý có thể biết được trường hợp nào nổi lên bất thường, nghi ngờ, kém tin cậy, sau này có thể thanh tra, kiểm tra dễ dàng và thông tin tốt cho thị trường.

Nếu việc khai không trung thực vốn đăng ký kinh doanh được các cơ quan Nhà nước xác định nhằm mục đích lừa đảo, cùng với việc xem xét các hành vi vi phạm, cấu thành vi phạm khác, các cơ quan chức năng có thể xem xét các tội danh hình sự.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền (thực hiện)