Châu Âu cân nhắc thành lập quỹ giải cứu mới trị giá 500 tỷ Euro

(Dân trí) - Châu Âu đang cân nhắc thành lập một quỹ giải cứu mới có tên Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) trị giá 500 tỷ Euro để ngăn chặn “bão” nợ công của khu vực.

Châu Âu cân nhắc thành lập quỹ giải cứu mới trị giá 500 tỷ Euro - 1
Châu Âu đang gấp rút chạy đua để chặn bão "nợ công".
 
Các nhà chức trách châu Âu vừa gấp rút khởi động những cuộc đàm phán giờ chót về tăng cường năng lực giải cứu tài chính nhằm có được một kế hoạch chặn “bão” nợ công cụ thể tại hội nghị thượng đỉnh khai mạc vào ngày thứ Năm tuần này. Tờ Financial Times cho biết, nội dung kế hoạch có khả năng sẽ bao gồm hai quỹ giải cứu tài chính với sự hỗ trợ được tăng cường từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

 

Theo báo trên, hệ thống giải cứu tài chính “ba mũi” này sẽ là một phần trong kế hoạch tổng thể được soạn thảo công phu mà Liên minh châu Âu (EU) hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ của thị trường tài chính.

Hiện tại châu Âu mới chỉ có một quỹ giải cứu mang tên Quỹ Bình ổn tài chính khu vực (EFSF), thay vì hai quỹ như đề xuất mới. Ngoài ra, hệ thống giải cứu mới này sẽ được công bố cùng với những đề xuất về việc điều chỉnh hiệp ước của khối EU, bao gồm những quy tắc ngặt nghèo hơn về ngân sách đối với các thành viên của Eurozone.

 

Những hy vọng mới này nổi lên chỉ 2 tháng sau khi một hội nghị thượng đỉnh tương tự của châu Âu không thể thuyết phục được các nhà đầu tư trái phiếu rằng châu Âu có thể ngăn chặn được sự leo thang và lan rộng của khủng hoảng.

 

Theo một số quan chức châu Âu, các nhà đàm phán đang cân nhắc cho phép quỹ EFSF hiện tại với quy mô 440 tỷ Euro tiếp tục hoạt động sau khi một quỹ mới có trị giá 500 tỷ Euro được thực thi từ giữa năm 2012. Quỹ mới này dự kiến sẽ có tên Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM).

Theo dự kiến ban đầu, EFSF sẽ chấm dứt hoạt động khi ESM đi vào thực thi. Tuy nhiên, việc hai quỹ hoạt động song song như đề xuất mới đồng nghĩa với việc năng lực giải cứu tài chính của khối Eurozone được tăng lên gấp 2 lần.

 

Đề xuất thành lập ESM có khả năng còn bao gồm các quy định yêu cầu đẩy nhanh tốc độ góp vốn bằng tiền mặt vào quỹ mới này. Đây được xem là một biện pháp nhằm tăng cường sức mạnh cho ESM, đồng thời làm gia tăng mức độ tin cậy trong con mắt của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

 

Tuy nhiên, những người ủng hộ các đề xuất nói trên thừa nhận, đây là những điểm gây tranh cãi và là chủ đề chính của những cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà đàm phán. Một số nước chủ nợ ở phía Bắc của khu vực châu Âu - nơi những xung đột xung quanh việc đóng góp vốn cho các kế hoạch giải cứu của Eurozone đang đe dọa lật đổ chính phủ quốc gia - đã cho thấy sự lưỡng lự.

 

Mặc dù vậy, những người có quan điểm ủng hộ cho rằng, việc cho phép ESM hoạt động cùng với EFSF có thể tăng cường sức mạnh “tường lửa” tài chính của châu Âu. Họ lập luận, cùng với sự hỗ trợ từ IMF, hai quỹ này sẽ làm gia tăng đáng kể khả năng của lục địa già trong việc hỗ trợ các quốc gia phải vật lộn với “núi” nợ công chồng chất.

 

Theo những cân nhắc hiện tại của châu Âu, khi đi vào hoạt động từ tháng 7 năm sau, quỹ ESM không thể có ngay được số tiền 500 tỷ Euro như đã vạch ra. Thay vào đó, một phần số tiền của ESM sẽ được rút từ quỹ EFSF hiện tại vì thông qua con đường sử dụng đòn bẩy nợ có thể nâng nguồn vốn có thể sử dụng của quỹ EFSF lên 600 tỷ Euro. Cộng thêm các nguồn từ IMF và của bản thân ESM ban đầu, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ đạt được quy mô ESM như mong muốn.

 

Việc tạo ra một “tường lửa” tài chính đáng tin cậy đã trở thành một yêu cầu then chốt của ông Mario Draghi, người nhậm chức Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cách đây chưa lâu. Một “tường lửa” như vậy được xem là cơ sở để tăng cường khả năng can thiệp của ECB vào thị trường trái phiếu châu Âu.

 

Để tạo thêm sức mạnh cho ESM, một số nhà đàm phán còn xem xét khả năng cho phép cơ chế này tiếp cận với nguồn vốn của ECB - điều mà ECB và nước Đức đã loại trừ đối với EFSF.

 

Một số quan chức nhận định, bởi ESM sẽ là một tổ chức quốc tế có nền tảng hiệp ước tương tự như IMF hay Ngân hàng Đầu tư châu Âu - cả hai định chế có thể được vay vốn từ ECB - nên ESM sẽ dễ dàng được nước Đức chấp nhận hơn.

 

Về phần mình, Pháp từ lâu đã muốn ECB hành động theo hướng này, bởi ECB có khả năng in đồng Euro với khối lượng không giới hạn. Nhưng nhiều khả năng, ECB sẽ tiếp tục phản đối ý tưởng này.

 

Các nhà đàm phán cũng đang hoàn tất việc điều chỉnh một số quy định của ESM, trong đó có quy định đòi hỏi các chủ nợ trái phiếu phải chấp nhận thua lỗ đối khi các nước Eurozone nhận được tiền giải cứu từ cơ chế này. Theo quy định mới, IMF sẽ tham gia đánh giá trong từng trường hợp xem mức độ thua thiệt mà các chủ nợ phải chịu đến mức độ nào. Trong khi đó, các điều khoản cho phép các chính phủ có quyền kiểm soát cao hơn so với các chủ nợ trái phiếu trong trường hợp chính phủ vỡ nợ vẫn được duy trì.

 

Ông Jack Ablin, Giám đốc đầu tư của Harris Private Bank, nhận định: “Có hai vấn đề tích cực ở thời điểm hiện nay. Thứ nhất, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đang có những bước đi thực chất tới một giải pháp cho khủng hoảng. Thứ hai, thị trường đang thể hiện sự tin tưởng rằng, Mỹ cách ly nhiều hơn cuộc khủng hoảng ở châu Âu so với những gì mà người ta vẫn tưởng”.

 

Phương Anh

Theo FT