1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chật vật đời công nhân

(Dân trí) - Nghệ An hiện có một lực lượng đông đảo công nhân đang làm việc thường xuyên trong các KCN, tiểu thủ công nghiệp. Một bộ phận lớn công nhân nơi đây đang phải sống hết sức chật vật bởi đồng lương eo hẹp trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay.

Chật vật đời công nhân - 1

Để tiết kiệm, thức ăn chế biến sẵn bán ỏ vỉa hè là lựa chọn của số đông công nhân

Nghề không thấy mặt trời

Ban ngày, ló cổ vào các xóm trọ xung quanh Khu công nghiệp Bắc Vinh (thành phố Vinh, Nghệ An) tôi nhận được cái lắc đầu của chủ nhà: “Chúng đi làm ca hết rồi, 7-8 giờ, có bữa gần 10 giờ mới về. Nếu cần tối quay lại”. Tối, cả dãy trọ vẫn im lìm. Thỉnh thoảng mới có căn phòng sáng đèn. Thấy chủ nhân căn phòng chưa ngủ tôi đánh liều bước vào. Căn phòng rộng chừng hơn 10m2 là nơi trú ngụ của Nguyễn Thị Phương và Trần Thị Lan Anh, cả hai đều là công nhân Công ty cổ phần may Minh Anh Kim Liên.

Căn phòng tuềnh toàng chỉ kê mỗi cái giường đôi, quần áo treo lủng lẳng trên dây thép chăng ngang phòng. Chiếc quạt điện cơ chạy hết công suất vẫn không thể xua hết cái nóng hầm hập từ tấm ngói prô ximăng dội xuống. Góc nhà ngổn ngang nồi niêu xoong chảo và mấy cái bát đĩa bẩn ngâm trong chậu. Phương cho biết: “Mỗi tháng cả tăng ca và thưởng em mới được 2,3 triệu đồng. Tiền phòng đã mất 400.000 rồi đấy chị ạ. 400.000 đồng nhưng thực tế chỉ để ngủ thôi chứ ban ngày thì đều ở công ty cả rồi. Nghề làm công ăn lương như bọn em là nghề không thấy mặt trời”.

Chật vật đời công nhân - 2

Bữa cơm của công nhân chỉ có trứng, đậu phụ...

Không phải Phương mà nhiều công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Vinh tôi đã gặp đều ví von như thế về công việc của mình. Liên tưởng về cái nghề của họ nghe cũng thật xót xa. Đi khi chưa thấy mặt trời, về khi đèn đường đã đỏ, cuộc sống của đại bộ phận công nhân tại Khu công nghiệp lớn nhất thành phố Vinh chỉ bó hẹp trong 10-12 giờ làm việc ở các nhà xưởng. Một giờ nghỉ trưa họ cũng chẳng thể ló mặt ra ngoài bởi ăn cơm xong cũng chỉ có hơn nửa tiếng nghỉ ngơi. Ngả lưng xuống ghế, mắt chưa kịp khép lại đã phải choàng dậy để vào dây chuyền làm việc. Thế mới có chuyện, cô công nhân Nguyễn Thị Khuyên mặc dù đã chuyển đến xóm trọ 4 tháng trời nhưng cũng chưa biết hết mặt những người hàng xóm công nhân của mình. Mà xóm trọ của K có nhiều nhặn gì cho cam, cả xóm 14 phòng, chưa đầy 30 con người.

Đi làm cả ngày rồi liên tục tăng ca nhưng thu nhập của đại bộ phận công nhân chỉ dừng lại ở mức 1,7 -2,3 triệu đồng. Những công nhân có tay nghề cao và chịu khó tăng ca mới có thể vượt qua con số 2,5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng từng ấy tiền trong cơn bão giá này chẳng thấm tháp vào đâu. Tiền nhà, tiền ăn, tiền sinh hoạt phí rồi đến đám cưới, thăm ốm là cả tháng lương đã vơi gần hết. Cái gì tiết kiệm được thì phải tiết kiệm đến tối đa. Tiền nhà không thể trả thiếu, tiền hiếu hỉ không thể nợ công nhân đành tặc lưỡi tiết kiệm tiền ăn.

Chật vật đời công nhân - 3
và món "chủ lực" vẫn là rau

Bữa ăn của công nhân chỉ gói gọn trong mấy món: rau - canh, đậu phụ, trứng rán. Bữa nào sang sang thì có thêm mấy miếng thịt ba chỉ hay giò lợn. “Đấy là đầu tháng thôi chị ạ. Chứ cuối tháng thì chỉ có cơm rau với đậu phụ thôi. Vừa rồi một tuần nữa mới đến kỳ nhận lương mà trong túi em còn có 30.000 đồng. Nghĩ rằng cố gắng tằn tiện thì cũng đủ nhưng công ty lại chậm trả lương thế là lại “móm”. May mà bác chủ nhà tốt bụng mở vườn cho mà hái rau ăn”, Lan Anh - bạn cùng phòng với Phương cho biết.

Kỷ lục ăn cơm rau chấm nước mắm 2 tháng liền thuộc về Ngọc - công nhân Công ty Matrix. Ngọc quê ở Nam Đàn, đã từng làm công nhân ở Bình Dương nhưng xa quá, vài năm mới được về thăm nhà một lần nên quyết định về Vinh tìm việc. Hai tháng đầu thử việc, công ty chỉ cho ứng một ít lương nên Ngọc đành phải ăn cơm rau trừ bữa. “Giờ nó còn có da có thịt đấy chị ạ chứ hồi nó đó nhìn nó tội lắm, mắt to hơn người”, K hồn nhiên nói trong khi Ngọc chỉ ngồi dựa vào bậu cửa cười buồn.

Chật vật đời công nhân - 4

Đồng lương eo hẹp nên đến cả bữa ăn công nhân cũng phải đắn đo, suy tính

Quan sát tôi thấy kệ bát của phòng trọ nào cũng có cặp lồng. “Công ty không nấu cơm cho công nhân ăn à?” - tôi hỏi, Phương cho biết: “Có chứ chị. Mỗi suất ăn của công ty là 10.000 đồng mà cũng chỉ có cơm rau với 2 miếng thịt mỡ và 2 lát giò mỏng như tờ giấy. Nếu không ăn thì công ty sẽ phát tiền nên để tiết kiệm bọn em phải nấu cơm mang đi đấy”.
 
Có lẽ làm việc quá sức và ăn uống kham khổ quá nên hầu hết công nhân đều gầy gò, mắt thâm quầng trũng sâu, nước da mai mái. “Làm thế mỗi tháng gửi về nhà được mấy tiền?”, cậu Quang - hàng xóm của Phương cười: “Mẹ em bảo đi làm ăn chứ có bảo là đi làm để gửi về mô chị. Đủ ăn là may lắm rồi”. Trong cái cười gượng gạo của Quang tôi nghe thấy tiếng thở dài não ruột của đại bộ phận công nhân nghèo xứ Nghệ.

Lập gia đình - giấc mơ quá đối xa xôi

Suốt tuần suốt tháng quanh quẩn trong xưởng đến tối về thì lăn ra ngủ để lấy sức ngày mai “chiến đấu” nên công nhân cũng chẳng có điều kiện mà tiếp xúc với thông tin thời sự. Cả xóm của Phương có một cái tivi nhưng xem ra chẳng ai tha thiết xem. Nó chỉ được bật lên khi chủ nhân về ăn cơm tối và cũng tắt ngay khi chủ nhân lên giường.
 
Công nhân Thái Thị Minh - Công ty gỗ Hùng Hưng lắc đầu: “Đã vào công ty thì ở rịt trong đó cho đến khi ra về, làm gì có thời gian mà đi mua sách báo. Ở đây cũng không có người bán báo dạo, mà có bán cũng chẳng ai mua. Tối mịt, về đến nhà mắt đã ríu cứng lại. Lùa bát cơm canh vào bụng, tắm rửa, giặt giũ cũng là khuya rồi, thời gian mô mà đọc báo xem phim nữa”.
 
Không có điều kiện, không có thời gian nên hầu hết công nhân đều tự “thỏa hiệp” với nghèo nạn lạc hậu về kiến thức. Không có việc gì để thư giãn, mấy cậu con trai trong xóm trọ túm tụm lại đánh bài để chờ đến giờ vào ca 3. Mà đánh suông thôi thì chẳng có gì là vui cả nên rủ nhau đánh bài uống rượu hay đánh ăn tiền. Có lúc say lên đi bay cả nửa tháng lương mới sực tỉnh, lại phải còng lưng kéo cày trả nợ. 
Chật vật đời công nhân - 5

Những dãy nhà trọ tồi tàn, chật chội ẩm thấp vắng lặng vào ban ngày

Nhưng điều khiến họ buồn nhất không phải là nghèo nàn về kiến thức mà không biết tương lai mình sẽ đi về đâu. Nguyễn Văn Tình - công nhân Công ty gỗ Hùng Hưng năm nay đã bước sang cái tuổi 31 nhưng vẫn chưa dám nghĩ đến việc lập gia đình. Thu nhập của Tình hiện nay chỉ ở mức xấp xỉ 3 triệu đồng/tháng. Với chừng ấy tiền chỉ tiêu đã không đủ còn dám mơ chi đến lấy vợ sinh con.
 
Cũng có nỗi niềm như Tình, nhiều bạn công nhân đã bước qua các tuổi 25, 26 nhưng không dám nghĩ đên việc lập gia đình bởi lo cho cái thân của họ còn thấy khó khăn chật vật.
 
“Làm công nhân thu nhập bấp bênh, chẳng biết mất việc lúc nào nên đàn ông họ cũng ngại xây dựng gia đình với mình. Mà công nhân lấy công nhân còn khổ cực trăm bề. Nghĩ nhiều thì buồn chứ có làm được chi mô. Thôi đành kệ!”, cô công nhân Hoàng Thị Bình (Công ty May Minh Anh Kim Liên) tặc lưỡi.

Ngay bên cạnh phòng trọ của Bình là phòng trọ của vợ chồng anh Kiên (quê ở huyện miền núi Anh Sơn). Hồi chị Hiền vợ anh chưa sinh, mỗi tháng trừ mọi khoản chi tiêu hai vợ chồng cũng cố để dành được hơn kém 1 triệu đồng. Chị Hiền sinh con, trăm thứ phải lo, hơn chục triệu tiền để dành chỉ được đâu 4 tháng. Sang tháng thứ 5, bà Hải, mẹ anh Kiên phải xuống trông cháu cho hai vợ chồng đi làm. Hai người làm nuôi bốn miệng ăn, mua hai hộp sữa cho con thì cũng hết veo cả 1/3 tháng lương rồi.


Chật vật đời công nhân - 6

Mọi sinh hoạt cá nhân của công nhân chỉ diễn ra từ 8 giờ tối đến đêm khuya, sau những giờ tăng ca.

Ở phố chật chội, tù túng quanh đi quẩn lại trong căn phòng nóng nực chỉ hơn chục m2 bà chịu không nổi, nằng nặc đòi về quê. Công ty không có nhà trẻ, không đủ tiền để gửi ở ngoài chị Hiền đành đứt ruột gửi con về quê theo bà. Con về quê, mẹ héo hon vì nhớ nhưng cũng phải cố bởi không làm lấy gì mà ăn. Hai vợ chồng lại dồn sức làm để mỗi tháng dư 1 triệu đồng gửi về cho hai bà cháu. Tháng, vài tháng anh chị lại bắt xe về thăm con. Đó cũng là tình cảnh chung của nhiều cặp vợ chồng công nhân tại các khu công nghiệp hiện nay.

Thu nhập thấp, công việc bấp bênh không biết đến bao giờ công nhân xứ Nghệ mới đỡ chật vật, thiếu thốn? Bao giờ họ được ở trong những căn nhà giành cho công nhân? Bao giờ có nhà trẻ cho công nhân gửi con để yên tâm làm việc? Bao giờ đời sống tinh thần của họ mới được cải thiện? Câu hỏi đó cứ ám ảnh chúng tôi không dứt.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm