Nghe các giáo viên tỉnh lẻ trần tình chuyện lương tăng

(Dân trí) - Bắt đầu từ ngày 1/5, lương tối thiểu sẽ tăng từ 730.000 đồng lên 830.000 đồng/ tháng. Đây lẽ ra là tin mừng cho người làm công ăn lương. Thế nhưng thực tế, nhiều người dường như "vô cảm" với tin mừng này.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, giáo viên dạy môn Vật Lý Trường THCS Đông Văn, Đông Sơn, Thanh Hóa chia sẻ: Tôi không quan tâm đến việc tăng lương vì hình như càng tăng lương thì mức sống càng đi xuống. Khi lương tăng thì vật giá đã chạy xa một trời một vực.

Anh Hùng cho biết, sau 10 năm dạy học, mức lương hiện nay của anh là 3 phẩy. Nếu theo mức lương mới, lương của anh sẽ là 2.490.000 đồng, tăng 300.000 đồng so với mức lương cũ. Cả hai vợ chồng anh đều là giáo viên có mức lương như nhau và đang phải thuê nhà để ở. Mỗi tháng, tiền thuê nhà ngốn hết cả tháng lương của anh. Con anh học mẫu giáo hết 500.000 đồng/ tháng. Vậy là chỉ còn lại gần 2 triệu đồng lương của chị cho cả nhà với đủ thứ phải chi tiêu như: tiền điện, nước, điện thoại, xăng xe, tiền ăn cho cả ba người… Với số tiền này thì có khéo co đến mấy cũng không thể đủ.

Nghe các giáo viên tỉnh lẻ trần tình chuyện lương tăng - 1
Nhiều chợ bán hàng cũng dần thưa vắng bởi giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng vọt. (Ảnh: Kim Thanh)
 
Để bù những khoản chi tiêu mà đồng lương không đủ đáp ứng, anh đã dạy thêm, mỗi tháng thu được 600.000 - 800.000 đồng. Nhưng anh cho biết, việc dạy thêm này là do bạn bè nhờ cậy. Dù dạy thêm vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, anh xoay sang bán hàng đa cấp cho một công ty và trở thành người phát triển hệ thống cho hãng này. Anh hào hứng với công việc mới vì mỗi tháng có thêm khoảng 10 triệu đồng, cao gấp 4 lần lương.

Cô H., hiệu phó trường này lại có kiểu xoay xở khác vì tiếng là làm lãnh đạo nhưng lương không đủ nuôi con. Sau những giờ đến trường, cô trở thành người phân phối cà phê bột cho các quán bán cà phê ở khu vực mình sinh sống. Nhưng việc buôn bán với một cô giáo không phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy, sự vất vả, tháo vát của cô chỉ dừng lại ở việc đủ ăn hàng tháng cho gia đình.

Nghe các giáo viên tỉnh lẻ trần tình chuyện lương tăng - 2
Giá thịt lợn cứ tăng... vùn vụt khiến nhiều giáo viên tỉnh lẻ cũng bị chóng mặt. (Ảnh: Kim Thanh)
 
Không phải giáo viên nào cũng có tài xoay sở ngoài nghề dạy học như anh Hùng, chị H. Với anh D., một giáo viên dạy bộ môn tự nhiên nổi tiếng ở Trường THPT Hàm Rồng ( Thanh Hóa), có học sinh theo học rất đông. Anh chỉ sống nhờ nghề dạy học.

Trước đây thì mọi việc đều ổn. Nhưng trước tình hình giá cả tăng cao như hiện nay, đồng lương giáo viên của hai vợ chồng phải tiêu rất chật vật mà vẫn không đủ. Sau 23 năm dạy học, lương anh được trên 5 phẩy ( gần 3,7 triệu đồng/ tháng). Lương vợ anh 3 triệu đồng (Chị làm hiệu phó của một trường THCS trong tỉnh). Anh chị có hai con, lớn học lớp 8, bé học mẫu giáo. Mỗi tháng, riêng tiền học của các cháu đã hết gần 2 triệu đồng.

Anh D. giãi bày: Tăng lương rất quý nhưng Nhà nước phải quản lý để đừng tăng giá các mặt hàng cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Nếu không việc tăng lương thành vô nghĩa. Mọi người sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc làm thêm gì để trang trải cuộc sống. Không thể tránh khỏi việc “Chân ngoài dài hơn chân trong”.

Cô Vinh, một giáo viên bậc THCS có thâm niên 31 năm công tác, lương chỉ tăng thêm một bậc nữa là hết mức quy định. Lương của chị được xem là cao 4,2 triệu đồng một tháng. Ấy vậy mà chị than thở: Lâu lắm rồi gia đình tôi không dám ăn canh ngao vì giá đắt, 30.000 đồng/ kg. Thịt lợn cũng thỉnh thoảng mới ăn vì hiện nay giá lợn mông là 110.000 đồng/kg (trước tết là 80.000 đồng). Sắp tới, sẽ phải phải tính đến chuyện mỗi tháng mấy lần được ăn thịt lợn, giống như thời bao cấp. Nhưng khác ở chỗ, thời đó thực phẩm khan hiếm còn bây giờ thì tiền lương không đủ để ăn. Rau thì mua một mớ và chia cho cả ngày.

Trước tết giá rau là 1500 - 2000 đồng/mớ  nhưng nay đã lên 5000 đồng. Sức khỏe của chị yếu lại không có khả năng buôn bán. Tiếng là ở quê nhưng cũng không có ruộng để làm. Vì vậy, tất cả chỉ trông chờ vào lương. Hiện nay, hai đứa con chị đang học năm cuối bậc THPT nên tiền học cũng khá tốn kém. Cuộc sống của chị rất vất vả và bức bí vì chị gần như bất lực trước việc kiếm tiền.

Chị N., một giáo viên tiểu học cho biết, sau 14 năm dạy học, mức lương của chị là 3,34 (gần 2,5 triệu đồng một tháng). Nếu theo lương mới sẽ thêm hơn 300.000 đồng. Nhưng giá cả hiện nay đã tăng rất cao nên số tiền này không giải quyết được vấn đề gì. Chị có hai con gia đình ở thành phố. Mỗi tháng, tiền học của các cháu hết 2,1 triệu đồng; tiền điện 500.000 đồng; nước 150.000 đồng. Mới có mấy khoản như vậy thôi mà tiền lương của chị đã “bị âm” rồi. Cũng may chồng chị làm nghề khác kiếm được tiền nên cuộc sống gia đình đảm bảo.

Không chỉ riêng giáo viên mà cuộc sống của những người làm công ăn lương đều lao đao trước tình hình giá cả tăng vọt́. Thử nghĩ xem, nếu tất cả giáo viên đều “chân ngoài dài hơn chân trong” thì chất lượng dạy và học sẽ như thế nào? Cái sự tận tụy và tâm huyết với nghề liệu có bị cuộc sống "cơm áo gạo tiền" làm cho nghiêng ngả?!

Thế Cường - Kim Thanh